Lưu Bệnh Dĩ và Hứa Bình Quân vừa trông thấy chàng trai đi cạnh Mạnh Giác, đều cùng đứng dậy. Vân Ca thì lại lờ phắt luôn, cứ cúi đầu lo ăn.
Mạnh Giác cười bảo: ”Có anh bạn tôi bất ngờ tới thăm, hy vọng hai vị không phiền. Anh bạn này vừa hay cũng họ Lưu, lớn đầu nhất trong đám anh em, cho nên bọn tôi đều gọi ảnh là Đại công tử.”
Đại công tử tùy ý chắp tay chào Hứa Bình Quân và Lưu Bệnh Dĩ, trong thoáng giao mắt với Lưu Bệnh Dĩ, thần sắc lộ vẻ kinh ngạc, tới lúc ngắm được kỹ càng mặt mũi chàng, dáng vẻ mới lơ đãng lại như thường.
Lưu Bệnh Dĩ, Hứa Bình Quân đương lúc cúi mình hành lễ với Đại công tử, Vân Ca thì đến cả dòm ngó ừ hử gì cũng còn lười.
Cả ba đều không để ý tới chốc lát biến đổi kia của y.
Kẻ quan sát được là Mạnh Giác, y khẽ nhướng đuôi mày, mặt nở nụ cười nhẹ.
Đại công tử chẳng đợi Lưu Bệnh Dĩ và Hứa Bình Quân hành lễ xong, đã èn én en xông vô giành luôn cái ghế chủ nhà vốn thuộc về Mạnh Giác.
Mũi y hít hà: “Ừm… thơm quá xá!”
Nghe được mùi thơm bay ra từ vại gốm để hở nắp, y chẳng khách khí gì, múc luôn đầy bát to.
Vân Ca đanh mặt giành lại vại gốm từ tay y, múc canh vào bát mình, cúi đầu húp một muỗng.
Đại công tử thấy Vân Ca đã ăn canh rồi, cũng tức tốc vừa thổi phù phù vừa húp, chẳng bao lâu đã xử gọn cả bát, mặt mày ngây ngất, cực lực tán dương: ”Vị thiệt là tuyệt trần ai, đời này chưa khi nào được nếm! Húp cái là hương trôi tuột vô cổ, canh ngon! Canh ngon!”
Vân Ca cười khúc khích dòm y, vừa dùng thìa khuấy nhẹ canh trong bát, vừa rủ rà rủ rỉ: ”Ninh mầm thịt với lửa nhỏ tới khi ruỗng hết thành canh. Mầm thịt vốn đã mềm trơn, canh hầm ra cũng trơn tuốt luốt.”
Đại công tử thấy Vân Ca cười, lại dòm sang ánh mắt ngấp nghé cười của Mạnh Giác, chỉ thấy rét buốt từ đằng chân xộc lên tới não.
Tay đương múc canh rụt luôn về: “’Mầm thịt’ là gì đó? Ta đây nhỏ lớn cũng đã nếm không ít sơn hào hải vị, nhưng chưa từng nghe nói đến cái gọi là ‘mầm thịt’ này.”
Vân Ca nhẩn nha giảng giải cho y nghe: ”Thì mình chôn phần thịt chân giò loại ngon nhất xuống khoảnh đất râm ha, không bao lâu sẽ thấy có mấy con giòi trắng mọc nhung nhúc ở trển. Mình nó dẻo oặt hà, thịt trơn mềm, thịt heo sữa tuyệt hảo cỡ nào cũng không có bì nổi, tinh hoa trong các loại thịt luôn đó, tại vậy nên mới gọi ‘mầm thịt’. Đem mấy con ‘mầm thịt’ trăng trắng còn đương ngoe nguẩy… “
Đại công tử lạng người một cái, chạy ào sang bên ói thốc ra.
Vân Ca toét miệng cười hả hê, Hứa Bình Quân ráng nín cười nãy giờ, hết có nhịn nổi nữa, cứ ôm bụng mà cười ngặt nghẽo, Lưu Bệnh Dĩ cũng lắc đầu cười hoài.
Rồi thì là súc miệng nước trà, rồi thì là rửa tay, Đại công tử lục tục hết nửa buổi trời mới quành về lại.
Y đứng cách ra một quãng, phóng mắt nhìn Vân Ca cùng chừng bấy món ăn la liệt trên bàn, khóe miệng đã thôi cái điệu rù quến ngông nghênh: “Cái này mà cô cũng ăn được, ta đây quả thực kính phục. Mạnh Giác, anh cũng vái em cả nón, ‘bảo bối’ cỡ này, em nghĩ sao vậy?”
Vân Ca dương dương múc cho Hứa Bình Quân đầy chén canh, Hứa Bình Quân cười tươi rói với Đại công tử, đoạn húp lấy một muỗng.
Đại công tử trơ mắt ếch ngó Hứa Bình Quân. Sau khi chính tai nghe lọt mấy câu Vân Ca nói xong, vẫn có kẻ dám ăn cái thứ canh giòi bọ đó hả?
Lẽ nào lâu quá không héo lánh tới Trường An, người ở Trường An đều méo mó hết cả.
Y từ một gã lãng tử phong lưu giữa chốn hồng trần, biến phắt thành con ngỗng đần.
Vân Ca thấy mặt Đại công tử nghệt ra, bĩu môi khinh: “Năm nay anh bao tuổi? Có làm lễ đội mũ(3) được chưa?
Đại công tử thấy quá sức kì khôi, trỏ tay vô mình hầm hầm mà rằng: ”Tức cười! Không có mắt hả? Nhóc Giác còn phải gọi ta là anh cả!”
“Ồ… “ Vân Ca kéo dài giọng, híp mắt cười giễu: ”Không phải mắt tôi không tốt à, chỉ tại có người nghe chuyện nghe dở nghe dang, thấy ai nói sao là tin răm rắp vậy á, đầu óc y xì mấy đứa con nít ba tuổi.”
Đại công tử mặt mày xám xịt, trỏ thẳng vô Vân Ca hạch: “Ý cô là sao?”
Vân Ca cười khẩy: “Nãy tôi còn chưa có nói hết lời, chẳng hiểu sao anh tự nhiên chạy biến, đừng bảo còn không phải là nghe chuyện nghe dở nghe dang à? Tôi đang tính nói, canh nấu bằng mầm thịt đương nhiên là số một thiên hạ rồi, nhưng mà đâu có mấy ai dám ăn, cho nên vị của canh tôi nấu đủ bì được với canh mầm thịt đó. Nguyên liệu thì đều là những thứ rất hay gặp: đậu hũ, óc heo, lòng trắng trứng, chỉ có cách nấu đặc sắc thêm tí xíu thôi. Ai dè anh ‘đường đường một đấng nam nhi’, còn ở vai anh cả người ta mà lại quáng quàng như phải nước sôi vậy!”
Đại công tử lẩy bẩy luôn tại chỗ, chốc lát sau trợn mắt nhìn Mạnh Giác.
Một kẻ tối ngày lăn lộn giữa đám quần thoa như y, lại bị con nhóc vắt mũi chưa sạch này trêu chọc?
Phong tư gì, khí phách gì, tiêu ma hết trơn rồi!
Mạnh Giác cười cười, xòe ngửa hai tay ra, ý là ‘Giờ chắc anh biết chọc vào cổ hậu quả ra sao rồi nhỉ?’.
Vân Ca chả thèm ngó ngàng gì tới Đại công tử nữa, quay qua cùng Hứa Bình Quân rúc rích rúc rích, vừa ăn cơm, vừa nhấp rượu.
Bên Lưu Bệnh Dĩ với Mạnh Giác cũng đương cười nói hết sức nhiệt tình.
Đại công tử thấy bốn kẻ ngồi trước mặt kia đương ăn uống vui thả cửa luôn, liền cười rộ trở vô ghế, lấy lại vẻ ngông nghênh ban đầu: “Hôm nay ta liều mạng cùng cô nhỏ, xem coi cô nhỏ còn bày được trò nào. Ta thực không tin, cả một bàn thức ăn tú hụ này các người ăn được, mà ta ăn không được.”
Lời Đại công tử nói ra thì hoành tráng ghê lắm, hành động lại cực kỳ là cẩn thận dè chừng, Mạnh Giác gắp đĩa thức ăn nào, y bèn gắp đĩa thức ăn đó, không sai sót tí gì.
Lúc Vân Ca tươi cười châm rượu cho cả đám, Đại công tử tức tốc che miệng chén của mình lại: “Nào dám phiền đến cô, ta tự rót được rồi.”
Bình rượu còn chưa uống cạn, đã thấy mặt Đại công tử đỏ phừng lên, bật người dậy rối rít hỏi: “Nhóc Giác, nhà… nhà xí ở đâu?”
Mạnh Giác gắng gượng nén cười, chỉ hướng cho y.
Đại công tử bụng một bồ dao găm, miệng vẫn ráng cười bảo Vân Ca: “Lừa giỏi lắm!”
Lời vừa buông, người đã biến đâu mất.
Hứa Bình Quân cười đến sặc cả rượu, vừa che miệng ho sù sụ, vừa tò mò: “Vân Ca, em cho thuốc vào món nào ha? Sao cả đám bọn mình đều không sao hết?”
“Lúc em gắp đồ ăn đã bỏ thuốc vô hết mọi đĩa rồi đó. Nhưng mà rượu em rót có cho thuốc giải, anh ta không chịu uống, em còn biết làm sao?” Mắt Vân Ca lấp láy lấp láy, tỏ vẻ hết sức là ngây thơ lương thiện.
Hứa Bình Quân cười lớn: “Vân Ca, phục em sát đất đó. Anh ta rốt cuộc đã làm gì có lỗi với em vậy?”
Vân Ca cúi đầu bặm môi: “Không có gì hết.”
Hôm nay chắc phải bốc một quẻ coi là cái ngày gì quá! Mây đen vần vũ? Hay là hoa đào rợp trời?
Từ nhỏ tới lớn trừ cha, mẹ, anh trai, với anh Lăng, đâu có lần nào bị ai khác ôm đâu? Nhưng mà đúng một ngày nay thôi, đã bị đến ba ông con trai ôm rồi.
Hứa Bình Quân là người thấy vui xáp lại liền, hấp tấp bảo: “Vân Ca, em còn có trò nào để chỉnh Đại công tử nữa không? Cho chị chơi với… “
Lưu Bệnh Dĩ thấy Đại công tử cử chỉ tuy bừa bãi ngông nghênh, nhưng trong từng cái cất tay nhấc chân đều tỏ lộ vẻ cao quý, không muốn Vân Ca gây thù chuốc oán với y.
Chàng cắt ngang lời Hứa Bình Quân: “Vân Ca, nếu đã hả giận rồi thì thôi. Lần này coi như cảnh cáo, nếu anh ta vẫn còn dám phá em nữa, lần sau em làm gì cũng không gọi là không nể mặt.”
Vân Ca ngẩng đầu cười với Lưu Bệnh Dĩ: “Được đó, em nghe anh cả.”
Dưới ánh trăng lung, nụ cười em bừng nở, yêu kiều như hệt nụ hoa xuân vừa thôi e ấp.
Vẻ quẫn bách trong mắt Lưu Bệnh Dĩ loáng hiện rồi bặt tích, trong nụ cười mỉm uể oải quen thuộc lộ ra chút ít ấm áp hiếm có.
Mạnh Giác vui vẻ đáp lại mấy chuyện Hứa Bình Quân thắc mắc về Đại công tử, giọng cười nói như thường.
Rượu trong chén trên tay y, vốn là phẳng lì mặt gương, lúc này đã lăn tăn sóng tỏa.
.
“Khi đi dương liễu tươi ngời
Khi về tuyết xóa bời bời mưa bay
Bước ta vạ vật lắt lay
Lòng ta sầu tủi ai hay cho cùng?”
Ẩn nơi giai điệu đơn sơ, là bấy nhiêu những hắt hiu ai oán.
Vân Ca vốn chẳng chợp nổi mắt, nghe được tiếng nhạc nọ, sẽ quặn lòng, bèn đẩy cửa rời phòng, chậm rãi rảo bước dưới ánh trăng.
“Khi đi dương liễu tươi ngời
Khi về tuyết xóa bời bời mưa bay”
Tuy là giai điệu đã nghe quen từ tấm bé, nhưng phải đến tận hôm rày mới thực tình vỡ vạc được ít nhiều ý nghĩa bên trong.
“Khi đi”, “khi về”, ấy là thời gian lẹ làng chuyển xoay. Cành liễu hãy còn tươi ngời nơi ký ức đây, trước mắt kia lại là không gian bời bời tuyết trắng.
Ngày lại tháng qua, dung nhan tàn tạ, nghĩa tình tan tác, người cũ tản mác.
Mùa rồi lại mùa, sinh ly nối cùng tử biệt.
“Khi đi dương liễu tươi ngời/ Khi về tuyết xóa bời bời mưa bay”, đây hẳn là nỗi niềm cảm khái vĩnh hằng của nhân gian.
Người chẳng còn như xưa, vật, cũng chẳng còn như xưa, rốt lại, cũng chỉ là như vậy!
Mấy ngàn sớm tối trôi qua, anh Lăng ấp ôm nơi ký ức đã hoàn toàn mất dấu, bây giờ chỉ còn có anh cả Lưu thôi.
Lần đầu tiên Vân Ca nảy dạ hiếu kỳ với chuyện lòng của anh hai, sau bề ngoài chẳng lúc nào không bình lặng ôn hòa ấy, rốt cuộc đã chất chứa những chuyện lòng thế nào vậy, để mà, lại thích đàn đúng khúc nhạc này?
Anh hai, nếu anh có ở nhà, có khi em sẽ không trốn nhà đi đâu.
Nhưng nếu mình không đi, có khi mình sẽ không bao giờ thấu hiểu nổi khúc nhạc này, mình sẽ vẫn chỉ là đứa em gái nhỏ cần ảnh giảng giải, cần ảnh che chở.
Tuy từ lúc nổi nóng rời nhà đến giờ mới chỉ vỏn vẹn mấy tháng, nhưng qua con đường ruổi rong, tình người ấm lạnh, thế sự xoay vần, Vân Ca cảm nhận được mấy tháng vừa qua chính là chuỗi ngày chông chênh nhất đời em từng trải qua.
Chỉ mấy tháng thôi, em đã hiểu chuyện thêm nhiều lắm, trưởng thành thêm nhiều lắm, cũng, chất chứa nỗi lòng thêm nhiều lắm. Em chẳng rõ vậy là tốt, hay không tốt, nhưng đây có lẽ là cái giá của lớn lên.
Mạnh Giác đương ngồi dưới bụi trúc gảy đàn.
Tà áo thẫm trên mình y, chỉ càng tôn thêm lên vẻ người tựa ngọc.
Phong độ y đã trác việt, xuất chúng biết mấy, ngoài hình dong lại còn đẹp chẳng nhường ngọc châu. Ông trời dường như vô cùng nồng hậu với y.
Trao cho y dung mạo tuyệt thế, trao cho y sang giàu chẳng thể lường, tự y lại thêm uyên bác, đa tài, gần như là một kẻ không thể tìm thấy khuyết mẻ.
Vậy cớ sao y lại riêng ưa khúc nhạc này, nỗi lòng của y… là thế nào?
Khúc đàn Mạnh Giác gảy thoắt chuyển, đã sang khúc ‘Phụ kinh thỉnh tội’.(4)
Vân Ca vốn náu mình ở giữa rậm rạp cỏ cây, không định bước ra gặp mặt. Nhưng nghe Mạnh Giác gảy khúc nhạc nọ, lại thấy chẳng buồn trốn thêm nữa.
Em bước tới cạnh Mạnh Giác, ngồi xếp bằng xuống, mỉm miệng cười chào, thảy đều trong thinh lặng.
Đợi khúc ‘Phụ kinh thỉnh tội’ của Mạnh Giác dứt tiếng, Vân Ca liền bưng đàn qua, ngắc ngứ gảy lại giai điệu vừa rồi.
“Khi đi dương liễu tươi ngời
Khi về tuyết xóa bời bời mưa bay
Bước ta vạ vật lắt lay
Lòng ta sầu tủi ai hay cho cùng?”
Dáng tay em gảy tuy đẹp, nhưng có đôi lúc gảy sai âm, thậm chí khó thể nào đàn tiếp được. Nhìn biết ngay là thành quả của việc có người giỏi bảo ban giúp, lại chẳng từng hết lòng trui rèn.
Mạnh Giác ngồi nhích lại gần em, đôi ngón tay lướt nhẹ trên mặt đàn, dãn tiết tấu ra, dìu dắt Vân Ca gảy tiếp khúc nhạc.
Trong mũi Vân Ca toàn là hơi y thở, tay của y cũng dường có dường không phớt qua tay Vân Ca, thậm chí khi Vân Ca gảy sai âm, y chẳng ngại cầm tay Vân Ca dẫn dắt em đôi nốt.
Vân Ca không khỏi thấy hơi rối lòng, nóng mặt.
Mạnh Giác lại như chẳng hề nhận ra, cứ thản nhiên dạy Vân Ca gảy đàn.
Bấy nhiêu ngượng ngùng căng thẳng dần lùi xa, cả người cả lòng đều chìm đắm vào khúc nhạc.
Vân Ca vâng theo sự chỉ bảo của Mạnh Giác, cứ đàn đi đàn lại nhiều bận, mãi cho đến khi em thuộc làu, gảy được tròn vẹn một khúc ‘Thái vi’.
Dưới ánh sao là hai kẻ vai kề vai, bên người đẹp đẽ tươi xinh, bên người khiêm cung lễ nghĩa.
Vân Ca thuận tay vuốt ve cây đàn. Đàn tuy chẳng phải là loại đàn quý giá lừng tiếng, âm sắc gảy lên lại chẳng hề non kém chút nào.
Thân đàn nhạt sắc, nhã nhặn, sạch sẽ, chẳng điểm tô chi, riêng có hai đóa kim ngân được khắc bên góc đàn, hiển hiện đủ đầy niềm tự tại sướng vui của đôi hoa đương rung rinh trong gió.
Người khắc là một bậc am tường về cách lột tả cái thần của tranh vẽ, vẻn vẹn dăm nét bút, đã đủ thổi hồn cho cả một vẹn toàn. Nhưng lại cũng chính từ vài nét đơn sơ đấy thôi, trông biết được nỗi lòng người nọ bi thương nặng gánh. Hoa kia tươi thắm đẹp đẽ bao nhiêu, kẻ ngắm lại càng day dứt khôn nguôi nhường ấy. Nhớ lại khúc nhạc vừa gảy, Vân Ca không kềm được đưa tay miết nhẹ lên hình hoa.
“Đàn này là ai làm vậy anh? Ai dạy anh đàn khúc này vậy?”
“Cha nuôi của tôi.” Lúc Mạnh Giác nhắc đến cha nuôi, đôi tròng mắt toát ra vẻ ấm áp hiếm hoi, nụ cười bên khóe miệng cũng hoàn toàn khác biệt với nụ cười của y mấy ngày vừa rồi.
“Hôm bữa anh nói sắp phải rời Trường An, là về nhà gặp cha mẹ hả anh?”
“Người thân của tôi chỉ có cha nuôi. Tôi không có cha, mẹ… mẹ thì đã mất ngay từ lúc tôi còn bé.”
Vân Ca vốn thấy mình trót lỡ lời, đương tính đường xin lỗi, nhưng giọng Mạnh Giác nghe vẫn cứ điềm nhiên, chẳng gợn nửa bóng sầu muộn, khiến Vân Ca chẳng biết phải nói gì.
Lặng im một chốc sau, em hỏi dò: “Anh… anh có nhớ cha mẹ không?”
Những chuyện như thế, người dưng nước lã hẳn nhiên đâu có quan tâm, còn những ai đã từng gần gụi y dầu chút ít thôi, đều chưa từng thấy cần hỏi y mấy câu từa tựa vậy.
Đây là lần đầu có người hỏi y câu ấy. Giữa lúc chưa đề phòng kịp, đôi đầu mày sẽ chau, cặp mắt tựa mã não đen thoáng bần thần, cả người đều như khuất mờ phía sau một tầng mây sương ẩm ướt.
Mạnh Giác đương ngồi sát cạnh em đấy, vậy mà khoảnh khắc nọ, Vân Ca lại thấy y đã rời xa bao nhiêu, hồ như cách biệt bể trời.
Lâu lơ lâu lắc sau, Mạnh Giác mới đáp rằng: “Không biết nữa.”
Vân Ca cúi đầu, tay vô ý thức lướt qua dây đàn: Là không muốn nghĩ, hay là không dám nghĩ đây?
Thấy Mạnh Giác đương ngây ngẩn dõi mắt lên bầu trời lấm tấm sao, Vân Ca nhỏ giọng nói: ”Theo truyền thuyết của Nguyệt tộc ở Tây Vực, những ngôi sao nơi trời Tây kia đều là linh hồn của người thân hóa thành, vì hẵng còn âu lo nên cứ mãi nhấp nháy sáng.”
Mạnh Giác nghiêng đầu nhìn Vân Ca, khóe miệng chênh chếch cười, giọng nói ra lại lạnh toát tựa hàn ngọc: “Trời cao như vậy, họ biết được gì nhỉ? Nhìn rõ được gì nhỉ?” Y phủi phẳng lại áo quần, đoạn đứng dậy: “Khuya quá rồi, em nghỉ ngơi đi!” chỉ độ vài bước chân, người đã mất hút giữa đám hoa cỏ.
Vân Ca toan nhắc là anh quên mang đàn rồi nè, nhưng ngó thấy y đã đi xa hút, đành thôi vậy. Em cúi đầu lướt tay trên đàn, như suy như nghĩ.
“Nhạc vốn để đem vui tới, đem sầu đi, hai người mấy người hay ghê, hết người này tới người kia dòm y như vừa chết tiệt cha mẹ.” Đại công tử tay thì cầm cái bánh nướng bự, tay thì xách một bình nước, ngồi bắt tréo dưới tán tử đằng, cứ chiêu ngụm nước xong lại cạp miếng bánh, dáng vẻ rất chi ngon lành.
“Có anh mới chết tiệt cha mẹ ấy!” Vân Ca hứ lên trả miếng, chẳng thèm ngẩng đầu.
“Cha mẹ ta chết tiệt thiệt rồi mà! Họ còn chưa chết tiệt, sao ta có thể thảnh thơi như vầy chứ?” Đại công tử đã chẳng thấy em hỗn hào thì chớ, mặt lại còn cười toe.
Vân Ca câm nín luôn, cái ông này… hình như hổng có được bình thường à.
Ngó bộ dáng y bây giờ, lại nhớ tới cái điệu ngông nghênh, sang cả, phong lưu hồi mới gặp, em không nhịn được, cười rộ lên hỏi: “Bánh có ngon không?”
“Ăn lắm sơn hào hải vị quá rồi, lâu lâu cũng muốn nếm chút cơ cực của nhân dân, đây chính là trải nghiệm đời sống của bá tánh tầm thường chứ gì nữa?”
“Anh nói cứ như mình là quan lớn đi vi hành không bằng.”
“Ta vốn chính là quan lớn nhất trong các quan lớn, sao lại bảo là ‘nói cứ như’? Số quan lại ở Trường An này gặp ta không phải quỳ lạy không có mấy người à.” Đại công tử nhơn nhơn đắc ý nhìn Vân Ca.
“Anh là quan gì đó? Ồ! Đúng rồi, anh họ Lưu, đừng nói là một vương gia nha? Dân nữ lại dám trêu vào vương gia, thiệt là đáng chết quá.” Vân Ca cười cười châm chọc.
“Đúng rồi, ta chính là vương gia.” Đại công tử ăn xong miếng bánh cuối, sung sướng mãn nguyện thở dài đánh sượt: “Cô dám vô lễ với ta, đáng chết.”
Vân Ca biết y ắt là con nhà phú quý, nhưng phiên vương nếu không được lệnh vua, nhất quyết không được phép tự tiện rời khỏi đất phong của mình để tới Trường An. Quy củ đó đã có từ thời nhà Chu, nhằm phòng ngừa phiên vương mưu phản, thiên hạ ai ai cũng rõ.
Dù thật có vương gia tự tiện lẻn tới Trường An đi nữa, cũng không phải cái ông chả thèm giữ mồm giữ miệng, cứ vênh vênh vang vang ta đây là vương gia này.
Cho nên tuy lúc Đại công tử nói ra, ánh mắt trong ngời, rất là ra dáng ‘không có xạo đâu à’, nhưng Vân Ca nghe chỉ thấy tức cười thôi. Em nhổm người đứng dậy hành lễ, giả vẻ run như cầy sấy, ỏn a ỏn ẻn thưa với y: “Vương gia, dân nữ ngu ngốc, xin vương gia tha cho mạng này của dân nữ.”
Đại công tử bật cười, tùy ý xua xua tay: “Ôi thôi chịu cái tính nhắng nhít của cô! Ta là vương gia, cô cũng chắc gì đã sợ ta, chắc gì đã không chọc ghẹo ta nữa. Giả ta chẳng phải vương gia, cô cũng chẳng hẳn là không tôn trọng. Đúng là một kẻ lý thú khó có trên đời, ta chẳng nỡ giết cô. Ai! Tiếc quá… tiếc quá… lại là người của em ba… “
Y đưa mắt nghía Vân Ca khắp lượt, miệng nhỏ giọng lầm bầm chi đó, góc miệng cứ cười cười lấp lửng làm Vân Ca thấy rất là mất tự nhiên.
Em nghiêm mặt cảnh cáo: ”Anh… anh đừng có mà nghĩ chuyện gì tầm bậy à! Anh còn chọc tôi nữa, lần sau không dễ huề vậy đâu.”
Đại công tử đứng dậy, từ bên tán tử đằng giậm từng bước về phía Vân Ca: “Vốn là chả có nghĩ gì đâu, nhưng mà nghe câu cô mới nói, ta lại muốn coi xem cô còn giở được chiêu gì.”
Vân Ca lòng cuống lên rồi, nhưng biết lúc này không được tỏ ra sợ sệt chút nào hết, nếu không hồi sau nhất định sẽ bị y hành cho chết luôn.
Em khúc khích cười dòm y: “Ờ cái chỗ xa nhất xa nhất phía Tây á, có mọc một loài hoa, ở đó gọi là Hoa bắt ruồi. Hoa tiết ra chất dịch hôi thối, ai mà ngửi thấy đều nôn mửa liền, lỡ mà để chạm vô người là bám rịt luôn cả năm hơn không bay. Lỡ như Đại công tử không cẩn thận dính phải một hai giọt, thì sợ là khổ thân mấy cô nàng xinh đẹp nhà anh lắm hen, mà kẻ khổ nhất… e chính là Đại công tử đó!
Đại công tử sựng bước, chỉ tay vô Vân Ca bật cười: “Cô nói rõ ra coi thử, ta chịu cái khổ gì nào?”
Vân Ca nóng rãy mặt luôn, muốn mở miệng độp lại lắm, nhưng thực là không có nói được mà.
“Có gan nói mà không có gan giải thích.” Đại công tử cười khẩy ngồi phịch lại chỗ cũ: “Thôi chả chọc cô nữa. Vân Ca, chi bằng mấy ngày nữa tới phủ ta chơi đi, ở đó có nhiều món hay ho để chơi lắm.”
Vân Ca nhăn mũi cười: “Anh trừ chơi, chơi, chơi còn có lo được chuyện nào nữa không vậy?”
Dáng vẻ của Đại công tử đột ngột trịnh trọng hẳn, có vẻ rất là nghiêm túc, suy nghĩ mất hồi lâu, khóe miệng từ từ cong lên cười, cười đến sặc sụa chẳng còn thiết gì hết, giọng trầm thấp xào xạc giữa gió đêm, nghe ra thê lương sao: “Làm gì có chuyện nào nữa, tốt nhất là đừng có chuyện nào nữa, tối ngày cứ chơi, chơi, chơi thôi, chẳng những tốt cho ta, còn tốt cho cả kẻ khác.”
Vân Ca làm mặt quỷ ghẹo y: “Hôm nào tôi rời Trường An rồi, anh với tôi cùng đi chơi. Nói về ăn uống chơi bời tôi cũng coi như là nhà nghề một nửa đó à, tụi mình có thể ra biển ăn hải sản, thảnh thơi nằm trên mui ngắm hải âu. Còn có thể leo lên Tuyết Sơn, trên đó có loại gà lôi tai trắng, nếu mà tiềm với sen tuyết, mùi vị đảm bảo anh ăn xong cả họ tên cũng quên sạch sẽ luôn. Thiên Sơn anh từng đi chưa? Thiên Trì là chỗ thưởng trăng tuyệt nhất luôn á, buổi tổi dong một cái thuyền nhỏ ra, mang theo bình rượu với vài đĩa đồ nhắm, ‘tiên cảnh chốn nhân gian’ năm chữ này không hề khoác lác tí nào. Mà mọi người nào giờ chỉ biết ngắm mặt trời mọc trên đỉnh núi thôi, thực ra, bình minh trên biển cũng tráng lệ cực kỳ luôn đó… “
Vân Ca hào hứng diễn thuyết, Đại công tử chăm chú lắng nghe, cuối cùng mới nhìn lại Vân Ca, ngậm ngùi khen: “Ta còn cứ nghĩ mình mới là bậc trên trong những trò ăn uống chơi bời, hơn một nửa đất đai của Đại Hán ta đều từng ‘nhẹ bước’ rong chơi qua cả. Nhưng mà so với cô thì hóa ra chẳng khác nào con bạch yến trong lồng khoác lác với chúa điêu là mình thấy nhiều hiểu rộng. Lồng vàng, giá phỉ thúy thì sao chứ? Rốt lại vẫn là kẹt trong lồng mà thôi.”
Vân Ca cười ồ, lè lè lưỡi, đứng dậy rời đi: “Thôi tôi đi ngủ đây, không chơi với anh nữa. Nhớ là đem đàn trả cho vua của ngọc nhé.”
Vân Ca đã đi khá xa rồi, từ sau chợt vẳng đến mấy tiếng đàn chẳng ra quy củ gì, nhưng đại khái vẫn nghe ra được khúc ‘Phụ kinh thỉnh tội’.
Vân Ca chẳng ngoái đầu lại, riêng khóe môi đậu một nụ cười.
________________________________________
(3) Quán lễ: lễ thành niên của dân Hoa Hạ, trích thiên Quan nghĩa trong Kinh Lễ:
“Cho nên đội mũ rồi sau tranh phục mới đầy đủ, trang phục đầy đủ rồi sau dung thể mới đoan chính, nhan sắc mới trang nghiêm, lời nói mới cung thuận. Cho nên nói rằng lễ đội mũ là mở đầu của lễ, vì thế thánh vương thời cổ rất quan trọng lễ đội mũ.”
(Đinh Thanh Hiếu dịch, chộp được trong lời giới thiệu cho “Ngàn năm áo mũ”)
(4) Phụ kinh thỉnh tội(负荆请罪) là thành ngữ tỏ ý nhận lỗi, tạ tội, nguyện chịu hình phạt, gốc từ Sử ký, Lạn Tương Như liệt truyện.