Chương 8.1

Chương 8: Một lòng lại phải bày chi hai người?

.

“Cô nào là Trúc công tử đây?”

“Là kẻ quê mùa này ạ.”

Cái Trưởng công chúa Ngạc Ấp nhẹ gật đầu: “Đinh Ngoại Nhân có bẩm với ta cô là con gái, cớ sao rành rành phận gái mà lại mặc đồ con trai, còn lấy tên ở ngoài là ‘Trúc công tử’ vậy?”

Vân Ca chưa mở lời, Đinh Ngoại Nhân ở cạnh đã cười thưa: “Đó cũng là chuyện chẳng đặng đừng, cái tánh của bọn làm quan lúc nào cũng cứ coi rẻ giới nữ, nhã trù e cũng là tại bất đắc dĩ mới phải giấu giới tính thật, tránh cho đám người ngoài khỏi lời ong tiếng ve.”

Câu của Đinh Ngoại Nhân rõ là đã gãi đúng chỗ ngứa của công chúa, tuy mặt cô lộ vẻ chẳng vừa lòng, ánh mắt dành cho Vân Ca lại dâng đầy thấu hiểu cùng ngợi khen: “Các cô đứng dậy cả đi! Trai, gái đều do mẹ đẻ, cha nuôi, vậy mà chuyện gì cũng cứ đàn ông đặt sao ngồi đó, mọi loại quy củ đều do bọn họ đưa ra cả, đàn ông có thể có tới ba vợ bốn nàng hầu, cưới rồi cưới nữa cưới mãi, phụ nữ thì… Ai! Mà cô, mới nhỏ như vầy đã có thể lừng tiếng ở Trường An, chắc không dễ nhỉ, bản cung đã từng ăn món cô nấu một lần rồi, đúng là không hề kém cạnh những ngự trù khác phái trong cung cấm, còn hơn ở chỗ là lạ, hay hay … Việc nấu nướng hôm nay nhất định phải hết dạ mà làm, biết chưa, làm tốt bản cung sẽ thưởng thật hậu hĩ.”

Vân Ca và Hứa Bình Quân hành lễ xong bèn lui xuống.

Hứa Bình Quân ngó thấy cô cung nữ dẫn đường không để ý gì tới hai bạn, liền kề sát vô tai Vân Ca cười thầm thì: ”Hóa ra công chúa cũng giống bọn mình ghê!”

Vân Ca rúc rích cười lại: “Hổng lẽ chị tưởng cổ có hơn bọn mình cái mũi hả, hay là mọc thêm con mắt?”

“Ai bảo vậy chứ? Ý chị là, lời công chúa nói rất… rất hay, giống như nói toạc ra những gì ngày thường chị từng nghĩ nhưng mà chưa có nghĩ thông đó, hóa ra tại người đặt quy củ là đàn ông, cho nên phụ nữ mới bị trói buộc đủ điều.”

Vân Ca thôi cười, nhắc: “Đừng có nghiền ngẫm mấy lời của công chúa nữa chị ơi, ngẫm nghĩ thử coi phải nấu làm sao đi nè. Hôm nay kỳ kỳ thế nào á, đâu phải lần đầu công chúa và Đinh Ngoại Nhân ăn món em nấu đâu, nhưng mà là lần đầu công chúa cho triệu kiến em chỉ vì mấy món ăn, lại còn dặn dò đàng hoàng là bọn mình phải làm cho đến nơi đến chốn.”

Hứa Bình Quân suy ngẫm hồi sau, mặt cũng nghiêm lại: “Cái câu “làm tốt bản cung sẽ thưởng thật hậu hĩ” của công chúa, chỉ sợ ý ở đằng sau chính là hễ làm không ra gì thì phạt nặng à nha, hôm nay đúng là không được sai một ly một tấc rồi!”

Vân Ca khe khẽ thở dài: “Nếu còn bảo em nấu cho mấy cái ông con vua cháu chúa nọ ăn thêm vài bận nữa, có cơ em ghét chuyện làm đồ ăn luôn, không có thích cảm giác này chút nào hết. Nấu ăn nhẽ ra phải là chuyện thanh thản sướng vui, ăn cơm cũng vậy nữa, nhẽ ra cũng phải thanh thản sướng vui, dù là bạn bè, hay là người trong nhà, sau buổi lao động mệt nhọc, lúc ngồi vô bàn ăn đánh chén ngon lành cùng nhau phải là lúc hạnh phúc nhất trong cả một ngày dài mới đúng, không có phải như vầy.”

Hứa Bình Quân tươi cười nắm vai em, rủ rê: “Tối nay em nấu cho chị với anh Bệnh Dĩ ăn, cho em nấu đã đời luôn, bọn chị cũng hè vô ăn đã đời luôn, quên sạch bách mấy cái vụ không vui này nọ đi hén.”

Vân Ca cười, gật đầu: “Vâng.”

“Giờ em đừng có mà coi mấy người ăn nọ là công chúa vương gia gì gì hết, em cứ xem như là nấu cho bạn em ăn thôi, nấu cho một người mà em lo nhớ nhưng lại không gặp được chẳng hạn. Cứ nghĩ là ảnh ăn món em nấu xong, sẽ nở nụ cười thiệt tươi, cảm nhận được nỗi niềm quan tâm của em với ảnh, thấy lòng ấm áp là.”

“Chị Hứa, nãy chị mới xuýt xoa công chúa chứ, em thấy chị còn biết cách nói hơn cổ nhiều.”

“Con nhỏ này, dỗ người cũng ngọt ghê. Được rồi, đừng nói nhảm nữa, nghĩ lẹ coi làm món gì đây, lẹ coi nào, lẹ coi…”

.

Hoàng đế Lưu Phất Lăng tính vốn lạnh lùng xa cách, nhưng công chúa Ngạc Ấp đã thân thiết với người ngay từ tấm bé, riêng chuyện trăn trở xem người ưa gì thích gì, kẻ khác quả thực khó thể bằng.

Lúc nhỏ Lưu Phất Lăng thường mê đọc loại sách truyền kỳ, địa chí, liệt truyện du hiệp này nọ, cũng rất ham trao đổi với sứ giả tới từ muôn phương. Dẫu bấy đam mê này đã đắp bụi dày cả thước từ lâu, nhưng trong phủ của công chúa Ngạc Ấp, mọi chuyện ngoài lề đều có thể tạm thời quên lãng. Tại đây, Lưu Phất Lăng có thể lặng yên thụ hưởng một số điều chàng chẳng thể chạm đến nơi cung đình.

Có nàng con gái người Hồ đương diễn tấu khúc nhạc nào, công chúa Ngạc Ấp bèn cho hay: “Hoàng đệ ơi, đây là khúc nhạc đương thịnh hành tại các ca vũ phường ở Trường An đấy. Cây đàn nọ tên tì bà, do các cô ca nữ ở Tây Vực mang tới, nghe bảo vương phi của Cưu Tư yêu nhất là loại nhạc cụ này, bèn cho trưng thu rộng rãi các ca khúc trong nhân gian, tới bực người Cưu Tư thảy đều coi biết gảy tì bà là quang vinh cả.”

Trông thấy Lưu Phất Lăng nâng chén rượu trên bàn lên, công chúa Ngạc Ấp lại cả cười mà rằng: “Rượu này tên Trúc Diệp Thanh, là loại rượu được mến mộ nhất tại thành Trường An bây giờ, bởi mỗi ngày chỉ bán đúng một vò, tiếng tăm lại vang dội, nên giá của nó còn đắt đỏ hơn cả rượu cống lén tuồn ra ngoài bán! Mấy người uống rượu này rất thích ngâm câu “Trúc Diệp Thanh, quân tử… “

Công chúa ngẫm ngợi một thoáng, vẫn không nhớ ra nổi, mới nhìn về phía Mạnh Giác, Mạnh Giác đương ngồi ở chót đầu kia bèn tiếp lời: “Trúc Diệp Thanh, quân tử trong làng rượu, rượu của bậc quân tử.”

Mắt Lưu Phất Lăng đưa hờ qua Mạnh Giác, đoạn quành trở lại nơi nàng con gái đương diễn tấu tì bà.

Kẻ vốn mồm năm miệng mười là Đinh Ngoại Nhân giờ chỉ cung kính ngồi đằng sau lưng công chúa, miệng câm bặt, khác hẳn lệ thường! Nhìn biết ngay là gã sợ Lưu Phất Lăng một phép, cả những lời xun xoe nịnh bợ cũng chẳng dám tươm tướp mà tâu.

Lưu Phất Lăng lại cũng là một người không thích nói năng chi, thế nên trong phòng chỉ có giọng của mỗi mình công chúa thảng hoặc len vào giữa tiếng tì bà réo rắt.

Mạnh Giác khép hờ hai mắt lại, thầm nghĩ, lý thú đây! Lưu Phất Lăng thực sự đương lắng tai tận hưởng điệu đàn. Tên nọ, là người đầu tiên ở Trường An y gặp nơi yến tiệc tận hưởng nhạc khúc một cách đúng nghĩa, chứ không coi tất thảy đều chỉ là cảnh nền trang trí vậy thôi.

“Công chúa, món ăn đã chuẩn bị xong xuôi rồi, thưa, có cần dâng món lên chưa?” Thị nữ quỳ ngoài rèm bẩm hỏi.

Công chúa đưa mắt dò ý Lưu Phất Lăng, Lưu Phất Lăng nhẹ gật, công chúa tức khắc bảo thị nữ dọn món.

Từng đĩa từng đĩa đồ ăn rập rình từ ngoài bưng vào, đưa qua tay hoạn quan Vu An, để gã kiểm tra kỹ càng một lượt, rồi mới được bày ra trước mặt hoàng thượng.

Đợi lúc các món đã lên đủ, thị nữ bèn rút mảnh khăn vuông khi nãy Vân Ca trao cho, ra rả ngâm như vầy:

Đi rồi đi, đi mãi thôi

Sống thời cách biệt chết thời chia ly(1)

Xin mời dùng món đầu tiên ạ.”

Lưu Phất Lăng nao nao trong dạ, bèn hỏi công chúa: “Chị, dùng món mà cũng phải đoán ư?”

“Hôm nay nào có phải đầu bếp trong phủ đâu, là nhã trù xưng hiệu ở Trường An là ‘Trúc công tử’ mà chị đặc biệt triệu đến đấy. Nghe đồn thưởng thức những món y nấu có rất nhiều ý tứ tươi mới khôn lường trước được. Vì e làm y cuống nên không báo với y là nấu cho hoàng đệ dùng. Chị cũng đâu ngờ ăn món ăn của y lại còn phải để ý tới thứ tự này nọ kia, nếu hoàng đệ không đẹp dạ, để chị bảo họ thôi không bày vẽ làm chi.”

Kẻ đứng bên cạnh Lưu Phất Lăng là Vu An cúi mình thưa: “Hoàng thượng, quả đúng như lời công chúa ạ. Đồn rằng, vị nhã trù này rất sành ghép ý họa, ý thơ, ý khúc ca, ý nhạc điệu vào với các món, tên món và cách dùng món đều tôn sắc cho nhau cả. Lại nghe đồn y có tấm bình phong Trúc Diệp nọ, chỉ cần là người có thể để lại chữ nghĩa nơi đó sẽ đều được miễn hết tiền ăn, vị hiền sĩ tên Ngụy Tướng mà hoàng thượng từng triệu gặp từng có lưu bút tích ở đây, cả thị lương Lâm Tử Phong cũng có lần đề thơ mình lại mà không ghi tên ạ.”

Đinh Ngoại Nhân thấy Mạnh Giác ngó mình chăm chăm, vội kín đáo làm dấu tay, tỏ ý chuyện gọi Vân Ca đâu phải do gã, là tự mong muốn của công chúa, gã cũng chẳng còn cách nào.

Lưu Phất Lăng nói: “Các vị đắng cay ngọt bùi trong món ăn, trước ăn vị nào, sau ăn vị nào, cái đọng lại sẽ cách biệt trời vực. Ví như nhấm đắng trước rồi mới nhấm ngọt, ngọt ấy sẽ càng ngọt ngào, nhưng nếu nhấm ngọt rồi mới nhấm đắng, thì đắng lại thêm đắng đót. Người đầu bếp này rất dày công, không nên phụ tấm lòng ấy, trẫm nhận đầu đề của y, đoán bài đố y đưa xem sao.”

“Đi rồi đi, đi mãi thôi

Sống thời cách biệt chết thời chia ly”?

Lưu Phất Lăng vừa suy tư vừa dõi mắt nhìn những thức đương bày trên bàn. Riêng có một chiếc đĩa nọ dáng cong cong hình lá liễu, trong phô ra thiệt nhiều hột nhỏ tựa trân châu đủ cỡ, trong suốt, hệt như lệ mà kẻ chia xa rỏ xuống chứa chan.

Chàng đưa đũa gắp một gắp.

Viên hột châu nọ trơn mịn lạ thường, chưa kịp nghiền ngẫm gì đã trôi tọt xuống bụng, vị ngọt thanh lạt mất, miệng dần dà thấm thía những đắng. Lưu Phất Lăng bèn ngâm:

“Thương sao lá ngọc thướt tha

Hờn sao gửi mãi là quà biệt ly”

Chiếc đĩa đựng món này vốn do Trúc công tử mượn phong tục cắt cành liễu tặng người đi mà làm ra, cái ý nhị sâu trong của món ăn cũng là muôn hàng lệ trên mặt kẻ giã biệt, đều ngầm chỉ những trao gửi lúc chia tay nhau đấy.

Thị nữ nhìn vào đáp án Vân Ca đã đưa sẵn, hối hả cười thưa: “Kính mừng hoàng thượng, món đầu tiên của Trúc công tử chính là món này, lấy tên là ‘gửi biệt ly’.” Thực ra chẳng cần coi đúng hay không, thị nữ sớm đã quyết ý chỉ bảo là “đúng”, nhưng giờ hoàng thượng đoán được thật, thì càng tốt chứ gì nữa?

Muôn xa ngàn cách người ơi

Mỗi bên mỗi một đầu trời mà trông

Mời dùng món thứ hai ạ.”

Những đốm sao rập rờn trên mặt canh tựa hồ được tỉa từ bí ngô, nhưng nếm vào chẳng hề thấy vị bí ngô đâu, chỉ thấy lẩn nhẩn chát, quyện cùng với cái đắng còn lưu lại của món ăn trước đó, thành ra chát đắng vậy.

Lưu Phất Lăng giữa khi miệng còn bùi ngùi những đắng, ngâm lên câu thơ đồng điệu:

Sống chi hai ngả Hôm, Mai

Tây đông chẳng ngóng được ngày kề nhau”?

Vì dạ bổi hổi bồi hồi, hai câu nọ, chàng ngâm ngợi tần ngần lắm thay.

Sao hôm và sao mai tuy ở chung một vòm trời, nhưng sao Hôm thì chếch đằng tây, còn sao Mai lại chếch đằng đông, bên mọc bên lặn, không khi nào gặp gỡ. Có khác nào những kẻ ở chốn cùng trời cuối đất ngóng vọng mãi cũng chẳng thấy được nhau đâu?

“Kính mừng hoàng thượng, tên của món này chính là “Hôm, mai” ạ.”

“Xa lìa đã biết mấy mươi

Áo xưa nay cũng lỏng lơi đi nhiều.”

Lưu Phất Lăng thoáng bần thần cả người, còn chưa ngó đến mấy món bày trên bàn nọ, buột miệng ngâm luôn: “Vì đâu nhung nhớ khôn nguôi? Rằng, còn in dạ bóng người váy xanh.”

Lưu Phất Lăng ngâm dứt hai câu thơ, cũng chẳng hề xem món lựa món, cứ ngây ngẩn mất hồn ra đó, hết cả buổi vẫn chưa thốt lời nào. Mọi người nào ai dám hó hé gì? Cuối cùng Vu An gắng thâu hết can đảm, ri rí cất tiếng gọi: “Hoàng thượng.”

Mắt Lưu Phất Lăng phảng phất buồn sầu, nghé mắt liếc qua những thức nọ, đưa đũa gắp lấy một món nấu từ hột sen và ngó sen. Cái nhẫn nhẫn của tim sen sao mà giống nỗi quắt quay nơi dạ người ly biệt quá, còn tơ sen miên triền kia nữa, “dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng”, phải chăng?

“Tên món này, hẳn là ‘Nhớ nhung.”

Cô thị nữ nhìn tên món, hấp tấp thưa liền: “Đúng vậy ạ.”

Phiêu diêu kìa áng mây trôi

Trời thôi tỏ nữa, người thôi không về

Mời dùng món thứ sáu ạ.”

Nhớ nhung xui dạ héo tàn

Nào hay năm tháng muộn màng, còn đâu?

Mời dùng món thứ bảy ạ.”

Cái vị của món trước, lại chính là thứ bắt sang cái vị của món sau, đắng chuyển chát, đoạn chát đổi thành hăng, từ hăng bỗng hóa thanh thanh, thanh thanh lại sang ngon ngọt, ngon ngọt dần ngọt đến lịm lưỡi, tới cuối cùng, chỉ là vị dầu muối, quen thuộc hết sức. Nhưng khi đã nếm trải qua hết những sắc vị đậm đà nọ, ăn vào vị dầu muối thường ngày, lại chợt thấy lòng âm ấm một nỗi rất đơn sơ.

Chuyện xưa thôi nhắc làm chi,

Mong người mỗi bữa thêm đầy bát cơm.

Mời dùng món cuối ạ.”

Lưu Phất Lăng bưng chiếc chén đựng món cuối lên: Một chén cháo ngô. Chàng ăn trong thinh lặng, không thốt câu nào.

Bụng dạ công chúa nháo nhào chẳng yên, sao hoàng thượng không ngâm tên món ăn nhỉ? Chẳng lẽ người nổi giận rồi? Cũng đúng, cái cô nhã trù đó nghĩ thế nào lại đem chén cháo ngô dân dã ra cho đủ số vậy chứ? Còn đương tính cách vớt vát, lại ngó thấy mặt mày cô thị nữ nọ mừng rơn.

Cô thị nữ im re hành lễ với hoàng thượng xong, hai tay dâng thực đơn bày món cho công chúa, sau đó lui ra ngoài.

Mấy cô cung nữ khác trong phủ công chúa ở ngoài chưa được vào hầu, dòm thấy cô thị nữ bày món tên A Thanh nhón chân ra, bèn nô nức quây cô lại liền tắp lự: “Chị Thanh, chị thấy hoàng thượng chưa? Trông như thế nào vậy? Hoàng thượng có để ý tới chị hông?”

Cô A Thanh nọ cười bảo: “Tụi em nghe riết mấy chuyện cái chuyện tình hường phấn của tiên hoàng rồi chứ gì? Đấng hoàng thượng hiện tại tính tình làm sao, tụi em đâu phải chưa nghe nói, hả? Nhanh thôi mơ mòng hộ cái, không sai sót gì là tốt rồi.”

Cô nhỏ kéo tay cô ỏn ẻn bảo: “Chị Thanh dọa thấy ghê quá hà! Tay đầy mồ hôi luôn nè!”

A Thanh méo mặt cười than: “Dùng món ăn còn phải đoán câu đố trước, thì đoán cũng được đi! Nhưng bạn làm ơn nói gì may mắn dùm cái chứ! Trời ơi, câu nào cũng sầu tủi phát sợ. Bọn mình đều là nô tì được nuôi trong phủ công chúa, yến tiệc cung đình thấy cũng đâu có ít, có hồi nào thấy cháo ngô cũng là một món không? Mà tên của cái món đó cũng quái lắm à nhe, gọi là “Làm thinh” đó, chả lẽ là dở tới mức nói không ra lời luôn hả? Thiệt không vỡ ra nổi mà!”

Càng về sau, A Thanh càng sợ là hoàng thượng sẽ đoán sai. Tâm tư của nhã trù đã kỳ khôi rồi, tâm tư của hoàng thượng cũng kỳ khôi quá đỗi, nhỡ đâu hoàng thượng trật đi một cái, cô làm gì có tự tin lấp liếm cho đặng, may sao Hoàng thượng đúng y như lời đồn, mẫn tiệp tài tình, toàn bộ đều đoán đúng hết luôn.

Công chúa giở miếng vải ra ngó, thì ra, đề mục thứ mười này là “làm thinh”, chẳng trách hoàng thượng không thốt lời nào, công chúa rũ sạch âu lo, khấp khởi nhìn hoàng thượng.

Khóe miệng Lưu Phất Lăng tươi dần.

Đã là tri kỷ, còn cần nói chi? Phẩm bình món ăn đã tới bực này, ai thấu tỏ rồi, đương nhiên chẳng cần lời lẽ nào nữa hết, mà ai đã chẳng thấu tỏ, thì có ba hoa thêm mấy cũng chỉ uổng công.

Muôn từ vạn chữ, đối với kẻ canh cánh trong lòng chẳng qua cũng chỉ là hy vọng chàng ăn no mặc ấm, những mong mỏi giản dị bậc nhất ấy. Hy vọng sao, chàng tự săn sóc được cho mình.

Trăm hương nghìn vị nơi các món ăn, hẳn nhiên là vô cùng đậm đà khơi gợi, thế nhưng thứ ấm áp nhất, ngon miệng nhất kỳ thực chỉ là vị dầu muối quen thuộc nọ. Đúng y như những cay đắng ngọt bùi của kiếp người, dẫu có phong phú màu sắc tới bao nhiêu, có lên bổng xuống trầm thế nào đi nữa, hy vọng sau rốt chẳng qua vẫn chỉ là niềm hạnh phúc bình dị, được đan tay cùng ngắm làn nước nhẹ trôi xa.

Vu An trợn lớn con mắt, hoàng thượng đương cười ta ơi!

Lưu Phất Lăng mỉm miệng cười, cảm tạ công chúa: “Đầu bếp tuyệt lắm, món ăn rất ngon miệng, cảm ơn chị.”

Bụng Mạnh Giác trỗi dậy nỗi bất an khó biểu đạt bằng lời.

Công chúa nhìn hoàng thượng, chợt thấy xa xót lạ, lòng lờ mờ nảy ra một ý, chưa suy xét kỹ đã vội hỏi ngay: “Hoàng đệ  vừa dạ là mừng rồi, có muốn triệu kiến nhã trù Trúc công tử tới không? Thực ra, Trúc công tử… ”

Mạnh Giác bất thần nhỡ tay đánh đổ bình rượu, tiếng bình va xuống đất nảy tiếng “lanh canh” rất chỏi, chặn lại lời công chúa suýt buột ra.

Mạnh Giác vội vàng rời ghế quỳ xuống xin thứ tội.

Lưu Phất Lăng cho y đứng dậy, Mạnh Giác tiếp tục tạ ân ba lần mới lùi về chỗ, trong lúc đó Đinh Ngoại Nhân đã kéo tay áo công chúa dưới bàn dăm chục bận liền.

Công chúa lập tức giựt thột, giờ đương lúc hoàng thượng còn chưa viên phòng(2) với hoàng hậu họ Thượng Quan, nếu dâng người cô gái kia, nhỡ nàng ta mà được yêu vì, nhất định sẽ đắc tội với Hoắc Quang và Thượng Quan Kiệt. Hoắc Quang thì cũng thôi, có điều, cô luôn giao hảo với phe Thượng Quan Kiệt, cứ theo cục diện trước mắt, không dại gì lại tự thả đá đè dập chân mình.

Công chúa hấp tấp cười xòa, lệnh cho ca nữ tấu tiếp một khúc nhạc, lại truyền vũ nữ tới múa hầu, cố sức lảng đi chủ đề khi nãy.

Lưu Phất Lăng dùng hết chén cháo nọ, dặn công chúa: “Thưởng cho nhã trù thật hậu hĩ.” Công chúa cấp tập ưng ngay.

Vu An khẽ giọng thưa: “Nếu hoàng thượng vừa ý những món của nhã trù, chi bằng triệu người nọ vào cung, làm ngự trù nấu hầu hoàng thượng các bữa.”

Lưu Phất Lăng trầm ngâm không nói.

Bụng dạ Mạnh Giác, công chúa lẫn Đinh Ngoại Nhân cùng nôn nao hết cả, riêng Đinh Ngoại Nhân đã hận tới mức chỉ muốn đem cái thằng Vu An đương rắp tâm hủy hoại phú quý của gã nọ ra băm vằm.

Cả nửa buổi sau, Lưu Phất Lăng mới liếc mắt xuống mà rằng: “Thứ mà người này muốn, trẫm không thể cho y. Để y tự do tự tại nấu những món ăn y ưa, mới là thực bụng mến mộ y vậy.”

Mạnh Giác rúng động cả lòng, nhất thời khó gọi tên nổi cảm xúc, tên hoàng thượng này mang cho y nhiều ngỡ ngàng quá lắm.

Lưu Phất Lăng đăng cơ từ nhỏ, nào có thực quyền gì, thứ mà Hán Vũ Đế trao lại cho hắn, chỉ có ‘tan hoang’. Đối mặt với những Hoắc Quang thèm khát quyền lực tâm tư sâu như bể,  Thượng Quan Kiệt tham lam tàn nhẫn, Tang Hoằng Dương công to chức lớn, lại còn có bọn Yến Vương rình rập cái ngai hoàng đế như hổ đói rình mồi, hắn lại có thể khéo duy trì cái thế cân bằng cực mong manh, cẩn trọng tiến hành cải cách trong gian khó.

Mạnh Giác đã sớm dự đoán rằng Lưu Phất Lăng không tầm thường, nhưng tới khi thấy đúng được người thực ngay trước mặt, y vẫn cứ phải ngỡ ngàng.

Ai ơi ở dưới gầm trời

Đất nào mà lại không thời đất vua?

Ai ơi bốn biển quây vô

Dân nào không phải dân vua đâu mà?

Được mấy tên thiên tử không coi chiếm hữu là sự tình đương nhiên?

Vân Ca được thưởng hậu hĩ, bụng rất là sửng sốt luôn, lẽ nào có người thiệt ngẫm ra được mấy món em đưa lên hả? Nhưng vừa đổi cách nghĩ một cái, bấy nỗi kinh ngạc trong dạ liền mất bóng hết.

Mấy ông con vua cháu chúa ở Trường An, sơn hào hải vị lại chẳng ăn đến phát ngán luôn rồi, chỉ khoái cái gì tươi mới thôi, chắc mẻm là do trò ngoắt ngoéo đoán món nọ làm mấy ổng thấy mới lạ đó. Em cũng thừa biết, tuy cung nữ có cầm phần đáp án em đưa trước, nhưng đảm bảo mặc kệ người ăn trả lời đúng trật gì, cổ cũng sẽ răm rắp bảo đúng thôi, cho đàng kia sướng rơn đó mà.

Bữa nay em chọn làm mấy món, chỉ là tại bị đôi câu nọ của Hứa Bình Quân làm xốn xang ghê, với đã ngán tới tận cổ hằng bao món nấu hổng ăn nhập gì với lòng mình rồi, lúc đó mới thả sức nấu cho bản thân thôi, tới lúc nấu xong, tâm tình xả ra hết, thấy cũng phơi phới trở lại. Như đã không có cách nào để chàng của năm ấy ăn được, thì ai ăn, cũng vậy thôi.

Tri âm mà dễ gặp được thế, thì cõi người muôn năm làm gì chỉ có vẻn vẹn một khúc “Cao sơn lưu thủy”, Bá Nha cũng làm gì phải vì mất Tử Kỳ mà buồn đau đập nát cây đàn, từ ấy đến hết đời thôi chẳng gảy nữa.

Vân Ca và Hứa Bình Quân chào từ biệt tổng quản của phủ công chúa, đoạn men theo ngả đường nho nhỏ thả bộ đi ra, ngó được ở chỗ xa xa đằng cổng chính phủ kia là nghìn nghịt những người đang quỳ rạp.

Hứa Bình Quân ngỏng cổ săm soi liền tắp lự, định coi coi rốt cuộc là ông nào bà nào mà rình rang dữ thần hồn.

Manh rèm che thùng xe sang cả nọ đương chầm chậm buông, Vân Ca chỉ dòm thấy tà ai áo sẫm, thêu sắc chỉ vàng ruộm.

Ngó thấy xe ngựa đã dông xa tắp, Hứa Bình Quân thở dài sườn sượt: “Có cơ khiến công chúa phải cung kính tiễn tới tận cửa lận hả ta? Hổng biết ai đây nữa? Chưa dòm được, tiếc quá hà.”

Vân Ca tủm tỉm cười: “Hẳn là hoàng thượng đó. Tại em mang máng nhớ có lần anh hai bảo, Hán triều coi vàng và đen là hai màu quý nhứt, cho nên nền đen chỉ vàng làm sắc của long bào là đúng rồi.”

Hứa Bình Quân la bài hãi: “Mẹ ơi!”, đoạn quỳ phắt xuống dập đầu lia lịa.

Vân Ca bật cười hí hí: “Thiệt đúng là người lớn lên dưới chân thiên tử há. Tiếc là ổng đi mất đất rồi, tấm lòng con dân Đại Hán trung trinh cũng dập in ít thôi!” em xốc mạnh Hứa Bình Quân dậy, hai bạn vừa cười vừa giỡn bước ra theo lối cổng bên của phủ.

Dòm thấy Mạnh Giác đương đứng im lìm bên đường, tiếng cười của Vân Ca tức khắc nghẹt luôn trong họng.

Trong ánh mặt trời mùa đông, Mạnh Giác mình bận áo dài, thung dung đứng đấy, người thì thơ thới vô cùng tận, mà tình thì phong lưu biết là bao.

Hứa Bình Quân liếc Vân Ca xong liếc Mạnh Giác, nhỏ giọng nói: “Chị có chuyện bận, đi trước nhé.”

Vân Ca cứ lẽo đẽo sau Hứa Bình Quân, ý cũng muốn theo cùng. Mạnh Giác bèn gọi em lại: “Vân Ca, tôi có lời muốn nói với em.”

Vân Ca đành phải dừng lại thôi chứ sao: “Anh cứ nói.”

“Nếu công chúa còn gọi em tới nấu, thì tìm cách nào đó thoái thác đi, tôi vừa nói với Đinh Ngoại Nhân rồi, gã sẽ dãn hộ em.”

Người ở trước mắt rõ là đương đứng sờ sờ trước mắt, vậy mà, sao em vẫn thấy hệt như đứng cách cả một màn sương mù mờ mịt, tưởng gần, mà lại quá đỗi xa xăm.

Vân Ca ngúc ngắc gật đầu: “Cám ơn. Hôm nay anh cũng đến phủ công chúa hả? Có ăn mấy món em nấu chứ? Thấy ngon không?”

Trời đông đương lúc vào chiều, ánh mặt trời chiếu đúng lên mình Vân Ca, vàng nhạt. Mặt em nghênh nghếch, nhìn dán vào Mạnh Giác, chăm chú, trong cặp mắt đen sẫm là những mong mỏi bừng sáng, người em, cũng hệt như một mặt trời bé xinh.

Lòng Mạnh Giác bất chợt xuyến xao, phải dằn mình lại, đoạn mới cười nhẹ mà đáp: “Có ăn, thấy rất ngon.”

“Ngon là sao mới được?”

“Se duyên cho thơ chung cùng món ăn, các thức màu sắc thảy đều đẹp đẽ, hương vị thảy đều vừa miệng.”

“Vừa miệng? Vừa miệng là sao mới được?”

“Vân Ca, những món em làm rất ngon, tôi có nói nữa cũng chỉ là rập khuôn người ta thôi.”

“Nhưng mà em muốn nghe anh nói.”

“Mặn lạt vừa đúng, vị cực đặc trưng, có thể nói là thêm một chút thì quá, bớt một tí thì kém.”

Mạnh Giác thấy em cứ đau đáu nhìn mình chẳng chớp mắt, trông vẻ lạc lõng buồn thương thế nào, nhưng lại xét thấy lời mình nói ra chẳng chỗ nào không ổn, buột miệng hỏi: “Vân Ca, em sao vậy?”

Vân Ca ban đầu thấy thất vọng, nhưng cũng thấy khúc mắc, dần dà ngẫm kỹ lại, thất vọng liền tan như bọt nước, chỉ còn thấy thảng thốt mà thôi. Em hít sâu một hơi, giấu hết cả mớ tình tự, tươi cười lắc đầu: “Không có sao hết. Mạnh Giác, anh bận chuyện gì không? Nếu không bận thì đưa em về nhà nhen? Anh về tới Trường An thiệt lâu lắc rồi mà chưa lúc nào họp mặt cùng bọn em hết! Tối nay tụi mình cùng ăn cơm đi, nhé, nhé? Cái ông… “ Vân Ca liếc chừng tứ phía: “Cái ông vương gia xấu xa nọ chắc cũng rời Trường An rồi chứ hả?”

Mạnh Giác còn chưa đồng ý gì, Vân Ca đã tự biên tự diễn túm lấy tay y kéo tuột luôn về phía trước.

Mạnh Giác toan rút tay lại, nhưng thân thể đã vượt khỏi tầm kiểm soát của ý chí, cứ để mặc cho Vân Ca lôi theo.

Dọc quãng đường, Vân Ca cứ rỉ rả mãi không thôi, dẫu là chuyện trời ơi đất hỡi gì gì đi, đã lọt vô mắt em, được em thêu dệt kể ra lại, thảy đều trở thành những tiếng cười vang vọng giữa đời.

_________________________________________

(1)  Các câu dẫn của Vân Ca đều trích từ bài “Hành hành trùng hành hành”, là một trong “19 bài thơ cổ” không rõ tác giả, được sáng tác vào khoảng thời Đông Hán.

(2)  Viên phòng: Ờm, nôm na là chuyện làm chuyện vợ chồng sau khi đã là vợ chồng ._.

Advertisement

2 thoughts on “Chương 8.1

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s