Chương 10: Dập dờn sóng tỏa, riêng soi dáng hình
.
Nhân lúc tầm chú ý của đám đông đổ dồn sang phía Hoắc Thành Quân và Thượng Quan Lan, Mạnh Giác tìm cớ tạ từ khỏi tiệc.
Đại công tử dợm thấy Mạnh Giác rời chỗ, tức tốc dắt Hồng Y vọt lẹ: “Nhóc Giác chắc ăn là nổi khùng rồi, ta cứ phải tránh bão cái đã.”
Bốn bạn lẩn đông né tây, cứ me mấy chỗ thưa thớt người mà luồn lách. Vân Ca dấm dẳn bảo: “Kiếm cơ hội biến luôn khỏi phủ cho rồi!”
Đại công tử và Hồng Y gật đầu lia lịa, vẻ đồng tình, Hứa Bình Quân lại chẳng chịu hùa theo: “Em là đầu bếp bà Hoắc mời tới nấu ăn mà, họ đã cho phép em hết việc đi về đâu!”
Tâm trạng Vân Ca tối nay thiệt tình tốt chết liền, lạnh te mặt, bảo: “Để ý bả chi!”
Đại công tử cười: “Đúng đó, bả có là cái gì đâu! Để ý bả chi! Cứ theo ta, nguyên đám mình cùng lẻn ra theo cái cửa ngách chỗ vườn hoa sau phủ đó.”
Đại công tử coi vậy mà rành rẽ phòng ốc sân vườn của phủ tư mã tợn, dẫn theo ba cô gái, băng qua đám hoa này, xẹt qua bụi cây kia, vòng qua hòn giả sơn nọ, vọt qua cái cầu cong cong kìa, chẳng khác gì đương dạo bước giữa khuôn viên nhà mình.
Càng đi càng thấy chung quanh quang quẻ, cảnh sắc mỗi lúc một thêm mĩ miều, rõ mười mươi là đã dông tới khu trong của phủ họ Hoắc rồi. Chốn này khác xa với chỗ cỗ tiệc dập dìu khách khứa nọ, nhỡ mà bị thộp cổ á hả, tự tiện đột nhập phủ đại tướng quân, đại tư mã là tội nhẹ mới lạ. Hứa Bình Quân sợ sệt quýnh quíu dữ lắm, nhưng mà ba cái vị đương tung tẩy đi cạnh thì cứ nhẹ nhàng thoải mái như không, cô cũng chỉ còn cách im thin thít bám theo, âm thầm khấn trời phù hộ mau mau thoát khỏi phủ cho con nhờ.
Đương lúc thả bộ qua thân cầu cong cong, sực có tiếng chân giậm dồn từ xa vẳng lại, võ công của Đại công tử với Hồng Y cao nhất, nghe ra trước hết, vội nghĩ coi kiếm chỗ nào nấp, nhưng mà đương lừng khừng giữa cầu, bốn phía trơ trọi, còn là chỗ cao vổng lên nữa, nấp kiểu gì đây?
Tiếng bước chân mỗi lúc một gần thêm, tới cả Hứa Bình Quân cũng nghe được, luống cuống túm lấy vạt áo Hồng Y hỏi không ra tiếng: “Làm sao giờ? Làm sao giờ?”
Vân Ca và Đại công tử thoáng nhìn nhau, cùng nảy chung một ý, gật đầu giao cảm cái, người thì kéo Hứa Bình Quân, người thì kéo Hồng Y lẹ làng leo qua thành cầu, im hơi tuồn xuống nước, náu vào ngay dưới vòm cầu.
Vừa giấu mình ổn thỏa xong xuôi, đã thấy lọt vô tai thanh âm hai người rảo bước trên cầu, chỉ nghe giọng Hoắc Quang bừng bừng tức giận: “Đồ khốn! Châm chước ngươi được cái tánh lanh lợi, những chuyện ngày thường các người tác oai tác quái ta đã mắt nhắm mắt mở cho qua, vậy mà tới hôm nay đến cả mắt cũng ném phứt đi rồi!”
“Bẩm ông, tội con đáng chết. Con thiệt là nằm mơ cũng không ngờ được…“
“Phái người cắt đặt chung quanh xong thì sang nói nhỏ cho bà hay, rồi báo cho các cậu, tự làm chớ có mà sai ai hết.”
“Dạ. Nhưng hoàng thượng nói, trừ ông ra, đừng…“
Nhịp bước gấp gáp, chẳng mấy chốc người đã đi xa mút chỉ.
Cả đám bốn mạng nín thít cả thở, nào dám cục cựa chi, mãi tới khi tiếng chân người đã hoàn toàn bặt tăm mới đua nhau hít lấy hít để.
Mấy bạn dòm nhau cười méo xẹo, tuy giờ đã vào xuân nhưng giữa tiết xuân nước còn lạnh khiếp hơn thường, nguyên đám giờ đều đã ướt mèm hết nửa người, cảm giác chẳng dễ chịu gì cho cam.
Hên là có thể ba chân bốn cẳng chạy về nhà thay quần áo rồi.
Vân Ca đương định đưa Hứa Bình Quân leo ngược lên, sực nghe thấy tiếng chân bận nữa, nguyên bọn lập tức rụt xuống lại phía đằng dưới.
Ai đó đương hộc tốc chạy qua cầu, hình như vội đi báo tin nước sôi lửa bỏng gì.
Bốn bạn đợi tiếng bước chân rảo xa là nhăm nhe leo lên bờ liền, nhưng mới bám được chỗ lan can, đâu đã lên tới nơi, thì lại nghe thấy tiếng người nheo nhéo.
Lần này cả bốn đều đã ăn ý lắm rồi, chẳng ai nhắc ai, cùng nấp xuống vòm cầu ngay tắp lự.
Đại công tử ngó bộ rất chi là “bắc thang lên hỏi ông trời”, trợn mắt ngó trừng trừng lên nóc cầu vòng cung.
Hồng Y như là lo Đại công tử lạnh hay sao, chẳng ngại hai bạn Vân Ca với Hứa Bình Quân đương đứng lù lù ngay cạnh đó, giang tay choàng ôm lấy Đại công tử. Cử chỉ đáng ra kha khá là suồng sã, Hồng Y làm ngó lại rất mực thơ ngây, chỉ thấy chân tình dào dạt mà thôi, đâu có chút nào gợn vẩn?
Vốn chỉ chầu chực cho tiếng bước chân bẵng đi là cả đám có thể phóng cái vèo về nhà thay quần thay áo. Dè đâu tiếng bước chân xa không chọn gần không chọn, lại chọn đúng chóc chỗ đỉnh cầu mà dừng đó.
Đại công tử giờ xụi lơ rồi, chẳng trợn mắt nổi nữa, gục đầu chèo queo vô vai Hồng Y.
Hứa Bình Quân rét tới độ mình mẩy lẩy bẩy hết mà vẫn phải liều chịu đựng, Vân Ca lục miếng gừng dắt theo người ra, dúi vào tay cô, ý kêu cho cô ngậm vào, đoạn cũng cầm một mảnh gừng khẽ khàng gặm cắn.
Vốn chắc mẩm chỉ lát thôi là bọn họ đi rồi, dè đâu người ở trên cầu coi mòi thảnh thơi ung dung tợn, cứ đứng kề thành cầu ngắm cảnh sắc, hết nửa buổi vẫn chưa thốt lấy một câu.
Lâu lơ lâu lắc, mới nghe giọng Hoắc Quang cung kính thưa: “Hoàng thượng hồ như riêng ưa sắc trời đêm thì phải? Có nghe rằng, lúc ở trong cung, người cũng thường hay đứng kề lan can ngắm cảnh một mình giữa khi khuya khoắt.”
Đại công tử bật dậy, người đơ cán cuốc, vẻ lông ba lông bông trôi tuột cả đi, hiếm thấy y lộ ra được ít nhiều trịnh trọng vậy.
Vân Ca với Hứa Bình Quân cũng giựt nảy mình luôn, dừng phắt chuyện gặm gừng, dỏng tai nghe ngóng.
Có riêng Hồng Y, tuy cũng hoảng loạn mét hết cả mặt, nhưng là lo cho an nguy của Đại công tử, chứ nào phải do ông hoàng đế nào.
Giọng nói ấy không chói cũng chẳng khàn, không vội vã, mà nào ngần ngừ chi, như gió vụn, như ngọc vỡ, tuy chỉ gang tấc đấy thôi, lại mang bấy nhiêu hững hờ xa cách của muôn ngạn sông trôi, quan san điệp trùng: “Chỉ là ưa nhìn sắc sao trăng vậy. Trẫm nghe nói chỗ khanh bày yến, bên cung lại đương tẻ, muốn ghé chỗ khanh giải khuây chút, mong là không làm nhộn nhạo chỗ khanh.”
“Thần nào dám.”
Ông bác Hoắc Quang này đúng là vững thần kinh khiếp khủng. Ví thử kẻ khác mà đứng kế hoàng thượng, hoàng thượng mãi chẳng thốt giùm một câu vầy, e là gã kia sẽ nảy ra cả đống suy nghĩ lung tung lang tang, ráng vắt óc đoán coi ý hoàng thượng là chi, càng nghĩ càng rối một nùi, rốt lại tránh sao nổi tự mình làm lép vế mình. Song ông ta lại chỉ đứng đó, lặng yên, cùng dõi mắt theo áng trăng tròn lấp loáng giữa mặt hồ.
Vân Ca thấy người Hứa Bình Quân run như cầy sấy, phải nghiến sít răng lại mới không bật tiếng rên, vội lay nhẹ tay áo cô, ý giục cô cắn miếng gừng. Riêng mình lại chẳng ngăn nổi dạ tò mò, cứ ngóng nhìn về đằng chiếc bóng loang loáng đổ dài nối cùng dáng cầu soi mặt nước.
Hoắc Quang nào dám bằng vai cùng người nọ, hẳn nhiên là đứng lui lại sau, mặt hồ vì thế chỉ loi lẻ một chiếc bóng ngược mà thôi. Ống tay áo thụng tợ hồ lật phật giữa gió đêm, in nơi mặt nước là lao xao ảnh nhiễu.
Vốn chỉ là người dưng nước lã, thế nhưng lòng em sao cứ thấy nao nao lạ ghê? Nghĩ chuyện người nọ đứng kề lan can giữa đêm hôm, một mình một bóng, lại thấy, uy nghiêm vời vợi thì có đấy, phong cảnh đều dưới tầm mắt cả rồi… thế nhưng… trời biếc biển xanh, trăng lẻ chiếc, gió tàn canh hiu hắt, nỗi man mác dằng dặc khôn cùng vậy!
“Hoàng thượng có muốn vào tiệc chung vui chút chăng? Thần đã cho người dọn sẵn một chỗ yên tịnh, tách biệt, sẽ không có ai nhận ra người.”
“Khanh mời những ai?”
“Thượng Quang Kiệt, Tang Hoằng Dương, Đỗ Diên Niên…“
Mớ tên gọi loằng ngoằng còn chưa được tụng xong, đã nghe vẳng đến tiếng ai oang oang coi bộ hồ hởi lắm: “Chú Hoắc, chú là vai chủ tiệc, lại bỏ mặc lũ bọn tôi ngồi trơ đằng ấy, chạy ra đây thảnh thơi riêng mình thế này coi sao được… Ô? Hoàng… Hoàng thượng, thần không hay hoàng thượng ở đây, trót vô lễ mạo phạm… “ Mặt Thượng Quan Kiệt ngó rất mực thảng thốt, gấp bước quỳ xuống xin thứ tội.
Tang Hoằng Dương đến sau Thượng Quang Kiệt độ dăm quãng, thân già đã hơn bảy mươi, râu tóc bạc trắng cả rồi, thế mà cũng đương định chật vật quỳ xuống.
Lưu Phất Lăng ra hiệu cho thái giám bên sang dìu Tang Hoằng Dương dậy, buông lời: “Miễn cả đi. Trẫm bận đồ thường dạo loanh quanh thôi, các khanh không phải câu nệ chuyện lễ tiết.”
Đại công tử lắc đầu toét miệng cười, ông bác Hoắc Quang chắc mẻm là đương tức muốn điên cả dạ, ổng và Lưu Phất Lăng đứng ngắm cảnh trên cầu, Thượng Quan Kiệt với Tang Hoằng Dương lại mò đến được lẹ như cắt, cái phủ này đúng là cần phải chỉnh đốn lại cho đến chốn đến nơi.
Hồng Y mô phỏng tư thế tay xoẹt qua cổ, đe Đại công tử chớ có mà hở miệng ra.
Động tác nọ có tí ti tác dụng với Đại công tử, chỉ tổ hù cho Hứa Bình Quân sợ rụng rời, dòm Vân Ca vẻ ảo não đến khiếp.
Vân Ca lắc đầu cười khổ, số chi số lạ số lùng? Biết mấy người đứng trên cầu là ai không, là đương kim hoàng đế cùng ba ông đại quyền thần của nhà Hán đó! Thiên hạ mai rày ra sao, liên quan từng ly từng tí một tới mấy vị nọ. Phận dân thường muốn đến gần một vị thôi, chỉ sợ đã khó hơn cả lên trời rồi, vậy mà đám mình lại có thể xáp tới gần xịt nguyên cả bộ sậu bốn ông luôn, rốt cuộc nên bảo là hên hay xui đây hả?
Đôi câu đối đáp của mấy vị trên cầu rất là khơi gợi với Đại công tử, ngó mặt y thấy vẫn đương cười khí khí, riêng ánh mắt đã lần lần chuyên chú hẳn đi.
Lưu Phất Lăng là một con cáo nhóc bén nhạy, có đầu óc, mỗi tội lên ngôi từ tấm bé, chẳng giữ được thế lực cho riêng mình, chuyện triều chính toàn lọt sàng xuống nia là mấy cái lão đại thần thác con côi kia.
Tang Hoằng Dương là trọng thần của tiên hoàng, noi theo tác phong chém đinh chặt sắt của Hán Vũ Đế Lưu Triệt, là kẻ cứng rắn kiểu mẫu của trường phái pháp trị, khác nào một con sư tử lão luyện? Oai phong tuy chẳng còn như lúc trước, nhưng vẫn là một kẻ sừng sỏ đáng gờm giữa chốn triều đình.
Thượng Quan Kiệt là sói, tham lam, tàn nhẫn, nhờ công chiến trận mà lên giữ tận chức hầu, đám quân tướng đa phần đều là vây cánh của lão ta cả. Lực lượng Vũ Lâm Doanh vốn do chính tiên hoàng tự tay lập, bao bận sát cánh cùng vị tướng lừng tiếng Hoắc Phiêu Diêu thảo phạt Hung Nô, vậy mà nay đã bị họ Thượng Quan nắm gọn ơ, nem nép chịu chỉ đạo của xa kị tướng quân Thượng Quan An con Thượng Quan Kiệt.
Hoắc Quang là hổ, về tuổi thì có sút hơn Tang Hoằng Dương và Thượng Quan Kiệt chút ít, nhưng nhờ nhiều năm nhọc sức gầy dựng, triều đình lắm kẻ nghiêng theo, còn có chiều ma mới bắt nạt ma cũ nữa kia.
Hoắc Quang và Thượng Quan Kiệt vốn kết sui gia, bên thì là ông ngoại của Thượng Quan hoàng hậu, bên thì là ông nội của Thượng Quan hoàng hậu, thế nhưng quan hệ giữa hai bên đáng ra như giọt máu đào, lại chẳng hơn ao nước lã.
Hiện giờ ba lão Hoắc Quang,Thượng Quan Kiệt, Tang Hoằng Dương vừa muốn chống lưng cho nhau, tránh cơ hoàng thượng dẹp sạch trơn cả lũ, lại riêng toan tính chèo kéo hoàng thượng, khiến hoàng thượng riêng gần gụi tin tưởng bên mình, tìm cơ trốc gốc luôn hai lão kia, một tay giật dây cả triều đình.
Mà điều hoàng thượng mong mỏi nhất, còn gì khác hơn ngoài chuyện ba lão nọ đấu nhau đến tơi bời hoa lá, sau đó trút niềm ngùi ngậm, bao nhiêu năm ròng, cuối cùng trẫm cũng có thể đánh một giấc an ổn rồi.
Quả là loạn, loạn, loạn…
Đại công tử càng nghĩ càng nhăn nhở, vẻ rất là ‘kịch hay dữ luôn bay’, hệt như đã quên tiệt trận phong ba bão táp của bốn vị trên cầu kia bất cứ lúc nào cũng có cơ lôi tuột cả y vào, sảy chân một cái thôi, bị quần cho tuốt xác cũng hẳn.
Trên cầu thì sóng ngầm nước xiết, dưới cầu là nguyên đám co cụm lại, lật bật run.
Đôi bàn tay Vân Ca siết chặt miếng gừng, cứ cắn sựt một mẩu lại rủa thầm một tiếng “Hoàng đế khốn$!$#!5!”.
Thiệt chỉ mong có ngày quẳng được cái cha hoàng đế nọ vô nước hồ đầu xuân rét cóng, cho thằng chả ướt như chuột lột một phen thử coi! Nghe bảo trong cung người đẹp như sao sa luôn, hổng lo yên thân ngồi ở trỏng mà gảy đàn bình thơ, ngắm hoa thưởng rượu, lại chạy tới đây góp gió với mấy cái ông chú ông bác đó, hại cả đám mình chết dở.
Tiếng người trên cầu lúc có lúc không, giữa cảnh nên thơ thảng hoặc vỡ ra đôi câu liên quan này nọ đến triều chính, toàn là lời ỡm ờ lớt phớt. Mười mươi là chốc lát hiện thời chưa có ý định nhúc nhích di dịch đi đâu.
Môi Hứa Bình Quân đã tím bầm, Vân Ca thấy cô mà còn ráng chống chọi thêm, chỉ e có hết rét thì bệnh cũng đổ xuống tránh không kịp, mà nói đâu xa, chính em cũng gượng hết có đặng rồi đây.
Vân Ca khoa tay hỏi, mọi người coi thử coi có bơi thoát nổi không?
Hứa Bình Quân ái ngại lắc đầu, ý bảo mình không biết bơi.
Hồng Y cũng lắc đầu, trừ khi đủ sức lặn sâu một lèo khỏi cần ngoi lên thở, chứ không giữa đêm giữa hôm vậy, bốn người cùng quẫy nước thì to tiếng lắm, không cách chi không đánh động người trên cầu.
Vân Ca đành thôi, ngẫm thêm một lát, chỉ vào mình, chỉ vào nóc cầu, lại chỉ Hứa Bình Quân cho Đại công tử và Hồng Y, ý bảo để tôi nghĩ cách dụ người trên cầu đi, anh với chị Hồng Y dắt chị Bình Quân trốn ra nhé.
Hồng Y lắc đầu liền, trỏ vào mình xong trỏ vào Đại công tử, ý nói để cô dụ bọn họ cho, Vân Ca lo cho Đại công tử chạy thoát là được.
Vân Ca liếc qua Đại công tử, em lo cho ông thần này á hả? Hồng Y thiệt chả biết liệu cơm gắp mắm gì hết. Bèn lắc đầu quầy quậy, nhất định nhận chuyện về mình.
Đại công tử cười toe, nói không phát tiếng: “Vậy chơi đếm ngón chẳn lẽ đi, ai thua thì gánh, được chưa?” ngó bộ hơn hớn thấy phát bực.
Cái ông này, có là lúc nào nơi nào là ai là chuyện gì đi nữa, với ổng cũng y xì như đùa tí cho vui thôi.
Đếm đếm cái đầu anh! Vân Ca cáu sườn trừng Đại công tử, đoạn cúi người lượm mấy hòn đá ngoài ụ cầu. Hỏi Đại công tử coi hướng thoát thân là hướng nào xong, em xoa xoa tay vô nhau, gom hết mớ kinh nghiệm ném đá ao bèo ngày nhỏ, rạp người sát mặt hồ, vừa giang tay quẳng vèo hòn đá về phía ngược lại một cái là tức thì hít cho thiệt căng phổi, dầm nguyên mình xuống đáy nước, lặn tuốt tới đằng nọ luôn.
Hòn đá phóng là là trên mặt nước hết một quãng xa tít tắp xa, chủm, chủm, chủm, chủm, chủm, nhảy tưng liền năm bận mới chịu chìm vào đáy hồ. Màn đêm đương thì yên tịnh, tiếng vang nghe chỏi tai hết mức.
Vu An trước nhất lạng tới chắn trước mặt hoàng thượng, cùng một gã thái giám nữa hối hả bảo vệ hoàng thượng nhanh nhanh xuống cầu, né xa chỗ cao lênh khênh, tránh thành mục tiêu lồ lộ, tức tốc tìm ngay một nơi có thể tạm náu.
Hoắc Quang gầm lên: “Kẻ nào đó?”
Bọn tùy tùng sớm đã thét bảo đám thị vệ tới tra xét, quanh mảnh hồ con loáng cái thôi đã í ới giọng gọi, bập bùng đuốc đèn.
Tang Hoằng Dương và Thượng Quan Kiệt ngớ người, đôi cặp mắt sáng rực trông xói vào Hoắc Quang.
Mặt mày Thượng Quan Kiệt bỗng chốc hốt hoảng tợn, vừa lớn giọng hét “người đâu, người đâu”, vừa bám sát rạt Lưu Phất Lăng, phô vẻ ta đây có phải bỏ cả mạng cũng phải bảo vệ hoàng thượng.
Trời đêm khuya khoắt, khắp chốn nháo nhào bóng người, đường đi nước bước của Lưu Phất Lăng nào đã ai tỏ ai hay, nhưng “nhờ” tiếng hét của Thượng Quan Kiệt chỉ lối cho, giờ thảy đều biết ngay bên đàng ông ta có người-cần-bảo-vệ.
Tang Hoằng Dương già quá rồi, đi đứng cập rà cập rập, giữa lúc láo nháo lại còn đâm nhầm sang phía khác, run giọng la to như ai: “Người đâu, người đâu?”
Bên này Tang Hoằng Dương “người đâu”, bên kia Thượng Quan Kiệt cũng “người đâu”, khiến đám thị vệ đang lúp xúp chạy tới ngẩn tò te, chẳng rõ hoàng thượng rốt cuộc đang ở chỗ nào, với phải ưu tiên xúm lại bảo vệ đàng nào.
Đôi cặp mắt của Lưu Phất Lăng và Hoắc Quang cùng lóe lên, trông theo bóng lưng ì à ì ạch của Tang Hoằng Dương, như suy như nghĩ.
Vân Ca liệng cục đá chỗ này, xong lại chọi thêm một cục chỗ nọ, quậy cho tưng bừng khói lửa, ráng sao dắt mũi mọi người sang phía mình, đám thị vệ hò nhau như hò đò, từ bốn phương tám hướng lần theo thanh âm mà rượt Vân Ca sát nút, mới chút tẹo thời gian mà tình hình đã rối bung rối bét, được cái là, càng bung càng bét thì càng rộng đường cho đám mấy bạn Hứa Bình Quân thừa cơ hội chuồn êm.
Lúc này Vân Ca đã lọt thỏm giữa lòng hồ, bốn bề trống hoác trống hươ, em lại không màng giấu giếm chi bóng dáng, chẳng bao lâu đã có thị vệ ngó thấy, nhảy ào xuống nước toan xáp đến thộp cổ.
Hoắc Quang lạnh giọng dặn: “Đường nào cũng phải bắt sống, nghe không?”
Vân Ca đầu óc đâu mà lo chuyện “nhỡ” mình bị túm thì sao, chỉ biết quạt nước như khùng, chơi cút bắt với đám thị vệ giữa hồ nước.
Mặt hồ dần khum lại, hết màn bao la bát ngát, chuyển qua đoạn khúc khuỷu lâm li.
Bờ này là dãy hành lang xuôi dài, xuôi dài, bờ kia là hoa hạnh đương thì rộ sắc khoe tươi. Đôi cánh hoa rơi rơi, thanh nhã, u tịnh, bàng bạc cái phong khí:
Rợp khuất mái rạ
Mười dặm hạnh hoa
Nước chín đoạn quanh
Ôm trọn nếp nhà
Hồ hẹp có cái hay là, đám người bơi bám theo sau chỉ có thể dí em đúng một hướng, nghề (chọc trời) khuấy nước của Vân Ca vốn siêu siêu xịn, tuy giờ sức đã hụt, nhưng bọn họ cũng chẳng dễ mà bắt nổi em; có điều, cũng có cái dở là tặng không cơ hội cho mấy kẻ lần theo trên cạn kia, may nhờ lệnh “bắt sống” nên đám thị vệ vẫn e dè, miễn Vân Ca còn kẹt dưới nước thì bọn họ cũng chẳng có cửa.
“Hoàng thượng, chi bằng về cung thôi.” Vu An lựa lời khuyên nhủ.
Nào ngờ Lưu Phất Lăng đã chẳng ưng thì chớ, lại còn trở bước về đàng thích khách vừa trốn chạy.
Thượng Quan Kiệt đã ngờ ngợ thấy chuyện khúc mắc chi đâu, nghĩ tới nhăn ríu cả đầu mày. Vu An còn muốn thưa, Lưu Phất Lăng đã hững hờ thốt: “Thượng Quan Kiệt, khanh thấy có phải thích khách không?”
Thượng Quan Kiệt gẫm kĩ chốc lát, đoạn bẩm: “Trước khi chưa có lời khai, thần thật chẳng dám nói chắc. Hiện giờ coi thấy nhiều điểm đáng nghi quá đỗi, việc hoàng thượng ghé phủ tư mã, xin hỏi có mấy ai tỏ tường?”
Vu An đáp ngay: “Chỉ có hoàng thượng và nô tài, chứ đám thái giám với thị vệ theo cùng thì cũng mù mờ cả.”
Thượng Quan Kiệt chau mày: “Nếu như thế, xem ra mục tiêu của thích khách này ắt hẳn chẳng phải hoàng thượng, vậy là ai đây?” Ánh mắt đưa phớt qua mặt hai lão Hoắc Quang, Tang Hoằng Dương, lại ngó trộm đằng hoàng thượng.
Chuyện lùm xùm xảy ra ngay tại phủ mình, trước khi chưa tra được ra đầu ra đũa, Hoắc Quang nào có dạn gan mở miệng thưa thốt, chỉ lặng lẽ nối gót theo.
Tang Hoằng Dương phải dựa hết người vào kẻ dìu mới có thể cất nổi chân, vừa thở hồng hộc, lệt xệt đuổi theo hoàng thượng, vừa nói một thôi một hồi: “Giả thử… muốn chạy thoát thân, thì nên chạy về… phía đông mới phải, đằng đó… hồ nước ăn ra tới ngoài, còn đằng này, nếu như… lão… thần không lẩn thẩn nhớ nhầm, thì ắt là đường cụt. Nếu mà… là… là thích khách, thì không thể nào mù tịt ngõ ra lối vào của phủ như thế…”
Hoắc Quang nhìn Tang Hoằng Dương vẻ cảm kích, Tang Hoằng Dương thổi phù chòm râu, không để ý gì đến Hoắc Quang.
Lưu Phất Lăng trông vời con lạch qua tầng hạnh hoa. Chỉ thấy:
Hoa liên miên rụng,
Đuốc tỏ đèn lu,
Nhòa nhạt bóng ai
Lúc nhô khi lặn,
Chốc phải chốc trái,
Thân tựa chim hồng,
Mình tựa cá rồng,
Kẻ trai đuổi ngặt,
Rẽ sóng như không
Mặc ai trơ mắt mà trông
Mình ta một cõi non sông, ngại gì?
Ngó tình cảnh hớt hải khốn đốn của đám thị vệ trong phủ, Hoắc Quang lúng túng ra mặt: “Trường An hiếm có kẻ thạo nghề sông nước tới bực này, có cơ kèn cựa với hàng giáo đầu chuyên dạy binh lính Vũ Lâm Doanh đánh xáp lá cà dưới nước chứ chẳng chơi.”
Thượng Quan Kiệt biến hẳn sắc mặt, hừ lạnh toan cắt ngang, Lưu Phất Lăng thờ ơ mà rằng: “Cần chi phải đoán? Bắt được người, tra hỏi là rõ ngay thôi.”
Đám người vội dạ ran, sau cùng lặng phắc.
Lạch nước mỗi lúc một hẹp, ngóc đầu chỉ thấy hàng cột chống mái hành lang, Vân Ca đoán một ăn mười chỗ cuối con lạch hoặc là ao lớn dẫn nước vào khu đình viện, hoặc là nước uốn dòng vòng vèo trở ngược lại quanh chân hành lang thôi, đường thoát coi mòi hết nhẵn rồi.
Đâu đó không xa vẳng lại tiếng nhỏ hầu gái nào, như dường đang vặn hỏi tận ngọn nguồn chân tơ kẽ tóc cớ sao đám thị vệ lại dám xông bừa vào đó.
Vân Ca còn đương nát óc tính coi tới đâu liều leo lên bờ thì được, cũng không biết cái chỗ đình viện này ngóc ngách ra làm sao, là chỗ ở của cô dì hay chú bác nào… chợt từ bên mé hành lang có tay ải tay ai vươn tới, bắt lấy cánh tay em, toan kéo xốc em khỏi mặt nước.
Vân Ca nhăm nhe toan trở tay đập bốp vào đầu kẻ nọ, sực trông rõ “kẻ nọ” là ai, tức thì chịu nương đà kéo, lật người lên sàn hành lang.
Gió thốc qua rét buốt, Vân Ca tưởng đâu thân mình đã tê cóng hết rồi, dè đâu vẫn còn biết lạnh, lạnh thấu cả cốt tủy, mình mẩy mềm oặt đi như bị rút hết xương.
Mạnh Giác làm mặt lạnh ôm lấy người em, cô thị nữ đứng kế tức thì lấy khăn lau qua lau lại phần nền gỗ, chùi cho sạch bách vết nước Vân Ca quẹt ra khi nãy, một cô khác thì khe khẽ giọng giục: “Mạnh công tử, mau mau theo nô tì.”
Mạnh Giác cúi mình, ghé sát tai Vân Ca hỏi: “Hồng Y đâu?”
Răng Vân Ca đánh bò cạp, rỉ được mấy tiếng qua kẽ răng: “Trốn… trốn rồi.”
“Có ai trông thấy Đại công tử không?”
“Không.”
Thần thái Mạnh Giác hòa hoãn đi chút ít: “Cả một đám hè nhau coi trời bằng vung, nghĩ phủ tư mã là đâu hả?”
Trông mặt Vân Ca trắng bệch, y thở hắt ra, nào phải lòng lim dạ đá, còn nói chi được nữa, đành cầm khăn lau sơ cho em.