.
Trong những ngày mà thời gian đếm bằng giờ, bằng khắc, từng chút từng chút tình cảm nồng ấm quyến luyến đều được Vân Ca nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Mỗi lần ôm nhau, em đều nghĩ, chưa chừng đây sẽ là lần cuối cùng như vậy; mỗi lần nói cười, em cũng sẽ nghĩ, chưa chừng đây sẽ là lần cuối cùng thôi.
Em gắng gồm thâu hết thảy những ngọt ngào có thể, gắng sao cho cuộc đời y ghi dấu mình nhiều, nhiều nữa.
Em không biết, những ngày này có thể kéo dài bao lâu. Em dày vò chứ, đau đớn chứ, có thể kiên trì chừng bấy lúc, chỉ bởi vẫn không nỡ xa lìa y, không nỡ buông tay y.
Những ngả đường dọc ngang Trường An, ngày mới tới thấy lạ lẫm ơi là lạ lẫm, vậy mà nay lại thân thương quá chừng. Nơi thành trì cao rộng này đã lưu giữ lại biết bao nhiêu là thứ giữa em và y.
Vân Ca chẳng rõ, tại sao mình lại đi loanh quanh tới cổng sau của Hoắc phủ, cũng chẳng rõ tại sao mình lại trốn sau bụi cây, giương mắt ngó tòa phủ đệ ấy đến ngơ ngẩn thẫn thờ. Có lẽ, chỉ vì muốn xem cho rõ, rốt cuộc là thứ gì đang ngốn nuốt lấy hạnh phúc mình đương nắm trong tay.
Tòa phủ đệ ấy chẳng khác nào chúa sơn lâm, chễm chệ ngự giữa Trường An đô hội.
Dưới gầm trời này, nơi kinh thành này, có hằng bao nhiêu người thèm khát bắt quàng làm họ dầu chỉ một tí nửa tí với phủ họ Hoắc? “Hoắc”, chỉ một chữ ấy thôi, là đại biểu cho uy nghiêm, cho thế quyền, cho tôn quý, cho giàu sang một kiếp, hỏi mấy ai cự tuyệt cho đặng? Và, có mấy kẻ làm trai lại không nao lòng trước những “chẳng đế chẳng bá, quyền khuynh thiên hạ” đây?
Nào phải tuyệt không ai! Ít nhất, em cũng biết được ba người, cha, anh hai cùng anh ba. Trước, em cứ ngỡ đó là chuyện rất mực bình thường, nay mới hay bọn họ vốn đứng riêng một mình một cõi. Mẹ của em, các chị dâu tương lai của em là những người phụ nữ may mắn, còn em…
Môi em đậu nụ cười nhạt thếch.
Lạ sao, em chẳng thấy căm hờn gì tòa phủ đệ trước mặt, thậm chí cả Hoắc Thành Quân, em cũng chẳng ghét, chẳng quan tâm. Có lẽ vì trong lòng em, thảy đều là lựa chọn của Mạnh Giác, là chuyện giữa em và y mà thôi, đâu dính dáng đến Hoắc phủ hay Hoắc Thành Quân.
Bụng những rối ren, cũng chẳng hay mình đã đứng đó bao lâu rồi. Mãi tới lúc sập tối, em mới sực tỉnh, tự nhủ, thôi về nhà thôi, chưa chừng… Mạnh Giác đang đợi ở nhà.
Đương khi em tính xoay người đi, cái cửa ngách nọ bỗng lạch cạch mở.
Bóng chiều nhạt lắm, mịt mờ lắm, mà chỗ em đứng cũng xa lắm, thói thường thì chẳng nhìn rõ chi đâu. Nhưng dáng hình nọ thân quen quá chừng đi, thân quen tới đỗi em biết rằng mình chẳng nên chẳng nên trơ mắt đứng đó, song chân lại như dính chặt xuống đất nhấc chẳng đặng.
Lúc Hoắc Thành Quân tiễn Mạnh Giác ra phủ, đêm đã phủ màn.
Thấy tiểu Thanh cầm đèn lồng tiến lại, Hoắc Thành Quân liếc qua, vẻ nghi hoặc, tiểu Thanh bèn hơi cúi đầu.
Lúc ra tới cổng phủ, Mạnh Giác đương định rời đi, Hoắc Thành Quân lại chợt níu tay áo y, đôi gò má ửng hồng, dùng dằng như có gì muốn nói.
Mạnh Giác nhìn cô cười nhàn nhạt, dẫu chẳng tiến lại, song cũng không dứt tay áo rời đi.
Hoắc Thành Quân cúi đầu mà rằng: “Hiếm khi thấy cha chơi cờ vui vậy, em nghe mẹ nói, hôm trước cha còn khen anh trước mặt bà, bà cũng có vẻ vui lắm.”
Mạnh Giác cười nhẹ, không đáp. Hoắc Thành Quân bèn chậm rãi ngả mình về phía y.
Mạnh Giác để hờ tay trên eo Hoắc Thành Quân, nói là chủ động cũng không phải, mà nói là cự tuyệt cũng chẳng đúng.
Bèn có thơ vịnh như sau:
Cổng then nửa cánh gài
Trập trùng bóng hoa khai
Nữ tử yêu kiều bấy
Nam tử xứng song vai
Đèn tỏ hôn hoàng sắc
Bịn rịn ai cùng ai
Chỉ ước ngày đọng mãi
Đôi ảnh chẳng phân hai!
Ví bằng lấy thơ người xưa, thì như sau:
Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê
Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn.
“Tình trong như đã, mặt ngoài còn e… Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn.” Thực cũng chỉ đến thế này mà thôi!
Sau, Mạnh Giác cười đỡ Hoắc Thành Quân dậy: “Tôi phải về rồi.”
Hoắc Thành Quân nhoẻn cười, dặn: “Trời tối rồi, anh nhớ cẩn thận nhé.”
Mạnh Giác mỉm cười, ôn hòa mà rằng: “Ngoài này lắm gió, em cũng nhanh nhanh mà vào nhà, chớ đứng hứng gió.” Nói đoạn, bèn xoay người rời đi. Chân dẫu chậm bước, song đầu thì không ngoái lại nữa.
Hoắc Thành Quân vẫn đứng trước cổng, trông theo mãi tới khi bóng Mạnh Giác khuất cuối đường.
Đoạn, cô đưa mắt về phía bụi cây trước mặt mình. Cây bụi rậm rịt tối mù, thế mà ánh mắt cô lâu lơ lâu lắc vẫn chẳng suyển suy.
.
Đêm ấy không trăng. Trời cao lắm, mà cũng tối lắm. Sao ít lắm, mà cũng lu lắm.
Hai bên đường, lá vàng đổ xao xác trong gió.
Vân Ca vươn tay bắt lấy một mảnh lá vàng, miệng rầm rì: “Nổi gió rồi.”
Trên đường thảng hoặc cũng có đôi người hối hả tới lui, cổ rụt lại vì lạnh.
Vân Ca bỗng sựng bước, nghiêng đầu ngẫm nghĩ: “Nên về nhà thôi.”
Em hít sâu mấy hơi, mong làm dịu đi những nhức nhối trong lòng. Về nhà thôi, về nhà sẽ không phải buồn bã nữa, không phải đau đớn nữa… Em rù rì tự nhủ: “Mình không thích đau đớn chút nào, rồi sẽ ổn, rồi sẽ ổn thôi.”
Có thật không?
Em không dám nghĩa sâu nữa. Cách duy nhất lúc này, cho em, là rụt mình vào cái vỏ ốc cứng thật cứng.
Chợt, đâu ra một ông lão râu tóc bạc phơ, ào cái xông tới trước mặt Vân Ca như gió lốc, hai tay múa may, vẻ cao hứng lắm, hồ hởi la: “Vân Ca, Vân Ca, cháu đây mà! Ha ha ha… Lão có phúc rồi, Vân Ca ngoan, mau nấu cơm cho sư phụ ăn nào.”
Tuổi đã đáng làm ông người ta, mà tính cách thì giống in con nít, động tác lanh lẹ chẳng kém bọn thiếu niên.
Vân Ca đương tan nát cõi lòng, nào ngờ xa quê lại gặp người quen cũ, thật chẳng khác gì thân nhân ở ngay trước mặt. Mũi cay xè, nước mắt chực rơi, song em ráng nín lại, toét miệng cười: “Đừng có gọi bừa nha, cháu chưa có bái bác làm thầy, là bác nằng nặc đòi dạy cháu đó chứ. Bác Hầu sao lại ở Trường An vậy? Bác có gặp anh hai cháu hông?”
Lão Hầu trừng mắt, thổi phù phù chòm râu, nom như đang nổi cơn tanh bành, nhưng ai chứ Vân Ca thì chả sợ tẹo nào hết, tại trước giờ bên xuống nước toàn là lão không. Y như rằng, giận một hồi rồi cũng thôi, lão lại dòm Vân Ca vẻ nịnh nọt: “Vân Ca ngoan, lão lâu lắm rồi chưa có gặp anh hai cháu. Lão vừa tới Yên Bắc, giờ tính về Tây Vực, tiện đường tạt qua Trường An. Còn cháu, sao ở đây vậy?”
Còn chẳng thèm đợi em đáp, lão đã lên cơn làm nguyên một tràng: “Ai! Ai! Bé Vân Ca này, không biết có bao nhiêu người xin lão dạy cho đâu nhé, có kẻ quỳ riệt ba ngày ba đêm mà lão còn chả thèm đồng ý đấy, thế mà cháu, cháu… Nhà cháu sinh ra toàn một lũ quái nhân! Năm đó nài anh hai cháu học, anh hai cháu chỉ ôn tồn cười, cười, cười, cười, cười thế chẳng bằng nói toạc ra là ‘không thèm’ đi!! Sau sang dụ anh ba cháu, anh ba cháu còn làm cái mặt như thể lão thiếu nợ nó dữ lắm, buông một câu nhẹ tệch ‘không có hứng’, lão đau lòng muốn chết, nghề này lắm cái hay thế mà…”
Mặt Vân Ca thấy đúng ba chữ kệ-bác-chứ: “Bác đừng có mà nói khoác nữa đi! Hồi lúc bác năn nỉ cháu học mấy chiêu ‘diệu thủ không không’ gì gì, cháu bảo ‘ăn cắp hả, cháu chẳng làm’, bác còn ba xạo là ‘học xong rồi, thiên hạ này trừ lão ra không có ai thó được đồ của cháu’. Cháu thấy không lo bị chôm đồ kể cũng hay nên mới theo bác học, kết quả là sao? Vừa tới Trường An thì đã bị nẫng sạch đồ rồi.”
Lão Hầu cả đời đùa cợt phong trần, chẳng lụy ngoại vật, duy có ngón nghề “Diệu thủ không không” là tự phụ không ai sánh nổi. Nay nghe Vân Ca nói vậy, lão nghiêm mặt lại tức thì, cứ như đổi thành người khác: “Vân Ca, cháu nói thật sao? Tuy cháu mới học được chừng ba bốn phần, lấy đồ người chắc chưa được, nhưng người khác cũng không dễ ‘xin’ đồ cháu thế đâu!”
Vân Ca gật đầu: “Cháu nói thật. Lúc đó cháu mang bên người độ bảy, tám cái túi, mất bằng hết, hại cháu chẳng trả nổi tiền trọ, bị tiểu nhị chửi cho một tăng, may là…” Cái tên nọ vừa bật ra trong trí, giọng Vân Ca đã nghẹn lại. Em ngậm miệng, nụ cười trên mặt trông leo lắt quá chừng là leo lắt.
Song, lão Hầu lại chẳng để ý tới em, lão còn đương bận đăm đăm mày mặt, miệng lầm bầm: “Không thể nào, không thể nào. Dù thành Trường An cũng có nhiều bạn cao tay, nhưng muốn cháu không biết thì lấy tới cái thứ tư là hết nước, bảy cái, bảy cái thì trừ lão đây… Á!?”
Lão hầu tự dưng bật cười khoái trá: “Ai cha! Lão biết ai khoắng đồ của cháu rồi. Ai! Hay thật, hay thật! Lão dạy cho đúng hai đồ đệ, bọn nó lại đụng nhau mà chẳng biết nhau! Thôi cũng đành, quy củ của nghề mình là ‘lén la lén lút’, thu đồ đệ cũng phải thế, như mà cứ hô hoán lên cho ai cũng biết là đồ đệ tui đây thì còn ra gì? Lão tung hành thiên hạ cả mấy chục năm, cũng đâu có mấy người thấy được mặt thật…”
Thấy lão Hầu lại tính đá sang chuyện-đời-tự-kể, Vân Ca chặn họng liền: “Bác Hầu, nói đúng chủ đề chút đi! Rốt cuộc ai cuỗm mất đồ của cháu? Lẽ nào… là đồ đệ của bác?”
Lão Hầu cười cầu tài: “Vân Ca ngoan, kiểu này là cháu bị sư huynh, í, không phải, tuy nó hơn tuổi cháu, nhưng lại theo học sau cháu, nếu tính vai vế thì là sư đệ mới đúng, kiểu này là cháu bị sư đệ của mình cho một vố rồi. Lúc sư phụ vỗ ngực bảo sư phụ là thiên hạ đệ nhất thì là chưa có tiểu Giác đâu! Như giờ, như giờ thì…” Lão có vẻ miễn cưỡng dữ lắm, “Như giờ thì chắc là thiên hạ đệ nhị. Con người ta học một biết mười, dốc sức một trăm, ai như cháu chứ! Nhưng cũng lạ thật, sao tiểu Giác lại lấy đồ của cháu? Tuy nó theo lão học ‘Diệu thủ không không’ thật, nhưng đồ vừa mắt nó làm nó phải chủ động ra tay e là chưa có trên đời. Ai, quay tới quay lui vậy mà đã bao nhiêu năm không gặp nó rồi, nó cũng tới Trường An sao? Vân Ca ngoan, cháu đừng giận nó nhé, nó cũng không biết cháu là sư tỷ của nó đâu. Tại cháu cứ nhất định không chịu gọi lão là sư phụ, cũng không chịu học nghề cho đàng hoàng, cho nên lão bảo với nó là chỉ có một đồ đệ là nó, cổ vũ nó ráng trui rèn, sau còn kế thừa y bát.”
Vân Ca cả người lảo đảo, mày mặt tái xanh: “Bác Hầu, tên đầy đủ của tiểu Giác là gì vậy?”
Lão Hầu có vẻ đắc ý lắm: “Mạnh trong Mạnh Tử, Giác là Ngọc trung chi vương, cha nuôi của nó là người duy nhất lão kính trọng trên đời này.”
Vân Ca đứng còn không vững, phải run rẩy lùi ra sau mấy bước. Chút ít hiềm nghi ngày nọ từng dấy lên trong lòng, bỗng chốc sáng tỏ cả.
Lão Hầu bấy giờ mới để ý vẻ xanh xao của em: “Vân Ca, cháu sao thế? Bệnh à?”
Vân Ca ráng mỉm nụ cười: “Không sao, cháu mệt tí thôi. Bác Hầu, hôm nay cháu tất bật ngoài đường ngoài cả ngày, giờ muốn về nghỉ trước. Bác giờ ở chỗ nào, để khi nào rảnh cháu sẽ tới thăm, hay biết đâu gặp nhau ở Tây Vực cũng nên, tới lúc đó cháu sẽ làm mấy món đãi bác.”
Lão Hầu trỏ vào quán trọ trước mặt: “Bác hiện đương nghỉ chân ở đấy. Chậc, gió hôm nay kiểu gì cũng to nữa, Vân Ca ngoan, nhanh về nghỉ đi nhé, chóng lấy lại tinh thần còn nấu cho sư phụ mươi mâm cơm.”
.
Đêm tối sập, gió càng thổi càng dữ.
Giữa trời gió là không biết bao nhiêu xác lá đương xoay mòng mòng.
Lá sượt qua đầu em, mặt em, khiến màn đêm mịt mù chẳng thấy lối quanh em vỡ thành trăm thành ngàn mảnh mịt mù tương tợ.
Vân Ca cứ thế thẫn thờ thả bước giữa cõi hỗn loạn. Rất nhiều thứ, rất nhiều điều, vốn ngỡ là thiên trường địa cửu, thì ra, sụp đổ chỉ mau chóng thế thôi.
Vốn vẫn đinh ninh, việc em và y gặp gỡ tại đất Trường An này in như những truyền kỳ cố sự muôn miệng kể nọ. Em là phận gái gặp nạn, y là công tử nho nhã đi ngang, ơn tình một bận, kết nên duyên phận một đời.
Ấy thế mà, chân tướng lại là, y lấy mất túi tiền của em, sau đó làm vẻ hảo tâm trước mặt em. Đã ngờ nghệch, lại thiếu tiền, em đương nhiên phải nhờ cậy y thôi! Song, y đâu ngờ em có thể xoay xở bằng nghề nấu ăn, chẳng dựa dẫm gì y, khiến kế của y chẳng thành. Nhưng, rốt lại, chính bằng phương cách ấy mà y có thể giậm bước bước vào đời em.
Chẳng trách, đương đêm y lại lôi đàn ra gảy “Thái vi”.
Khi đi dương liễu thướt tha
Khi về tuyết xóa trắng trời mưa bay
Bước ta vạ vật lắt lay
Lòng ta tủi oán ai hay cho cùng
Y là đồ đệ của bác Hầu, hẳn cũng đã nghe bác Hầu nhắc tới anh hai, chưa chừng, y vốn đã biết thừa “Thái vi” là khúc nhạc anh hai ưa thích nhất.
Khi đó còn nghĩ, duyên phận khó nói thật, ra chỉ toàn là cố ý, cố ý cả.
Nhưng tại sao chứ? Tại sao phải làm thế? Em đâu có chỗ nào đáng để y phải nhọc sức tới vậy?
Em rút xuống nhành trâm kim ngân cài nơi búi tóc, đoạn lại rút Cự tử lệnh của Chú Phong cho ra xem. Từng cảnh từng cảnh, mỗi chút mỗi chút một của ngày hôm đó theo nhau ùa về trong trí, rõ ràng.
Mẹ cấm em không được héo lánh tới Hán triều, nhưng hết thảy sinh hoạt trong nhà đều theo tập tục của người Hán.
Chú Phong thì thương quý em đến lạ, còn quan tâm hỏi han đến cả người thân của em. Trước vẫn đinh ninh là, định chuyện chung thân thì tìm hiểu chuyện nhà cũng phải, giờ nghĩ lại mới thấy, hôm ấy từng câu từng câu ông hỏi đều là muốn biết cha mẹ em sống có tốt không.
Nếu thiếu mặt em, hôm ấy, chú Phong sẽ trừng phạt Mạnh Giác thế nào? Phải chăng sẽ cấm y động tới mọi nguồn tiền tài nhân lực.
Y tỏ bày với em, bảo em rằng y sẽ không qua lại với Hoắc Thành Quân nữa, chính vào lúc chú Phong lâm bệnh nặng. Ắt là khi ấy chú Phong đương cân nhắc xem nên trao gia nghiệp cho ai.
Y lại cố ý đưa em đi gặp chú ấy.
…
Vân Ca đột ngột phá lên cười, cười tới mức mình mẩy mềm nhũn, lần lần ngồi phịch xuống đất, người co quắp lại, tay bao lấy đầu gối, đầu gục thấp, loi lẻ một bóng ngay giữa lòng đường.
Gió, gió bốc xác lá bay, gió ào ạt thốc tới, thổi tung mái tóc đã mất trâm cài của em.
Thấy Vân Ca trễ quá vẫn chưa về, Lưu Bệnh Dĩ bèn xách đèn lồng đi tìm.
Trước mắt chàng, cả con đường dài dằng dặc quang quẻ đến độ thê lương.
Giữa con đường là một chiếc bóng thon nhỏ đương ngồi đó, co quắp, chẳng khác gì một chú ốc mong rụt mình trở lại vỏ.
Giữa một trời lá rụng bời bời, là tóc, tóc bay, tóc đương bay, hết thảy hết thảy tóc đều là buồn thương đương bay tung.
Chỉ thương mái tóc dài vô vọng
Nghĩ mãi chưa thành chuyện ước mơ.[1]
Lưu Bệnh Dĩ điếng cả lòng, chậm rãi bước từng bước tới gần em, bụng nơm nớp lo lỡ chỉ sơ sẩy một chút, thì người ấy cũng sẽ theo xác lá mà bặt tăm giữa trời.
“Vân Ca, Vân Ca…”
Vân Ca vẫn ngồi bệt trên đất, nghe nhưng chẳng rằng.
Gió lớn quá, đèn lồng trong tay Lưu Bệnh Dĩ cứ thế lật lên lật xuống. Sau, “vù” cái, đèn chúc ngược hẳn, lửa nến tức thì bắt lên thân đèn, cháy bùng.
Ánh đèn vốn chỉ nhờ nhờ, giờ lại chợt sáng quá là sáng. Cả Vân Ca cũng bị ánh đèn đánh động, phải ngước lên nhìn Lưu Bệnh Dĩ.
Lệ hẵng óng ánh mi, thế mà mặt đã lại đậu nụ cười nhòa nhạt. Dưới ánh lửa bập bùng cháy, nét em buồn như hệt đóa sen vừa đọng giọt sương đầu.
Lửa dần tàn, mặt hoa lại chìm vào đêm đen.
Lưu Bệnh Dĩ phải đứng sững đó lâu lắm, sau mới vứt cái cán tre chỏng chơ trên tay đi, khom người đỡ Vân Ca đứng dậy.
Lúc gom mớ tóc xõa tung của em lại, ngó thấy trong tay em có nhành trâm, chàng toan cậy tay em lấy vấn tạm tóc, khổ nỗi em cứ khư khư không chịu là không chịu.
Lưu Bệnh Dĩ hết cách, đành tiện tay tháo đồng tâm kết đeo bên hông ra, vấn tóc em lên rồi cột chặt lại bằng dây.
Để tránh gió lùa, Lưu Bệnh Dĩ đỡ Vân Ca đi vòng qua mấy con ngõ nhỏ.
Hai người loanh quanh cả lúc, Vân Ca mới có vẻ tỉnh, chân khựng liền lại: “Em muốn về nhà, em không muốn gặp y nữa.”
Lưu Bệnh Dĩ ôn hòa thốt: “Mình sắp tới nhà rồi thôi. Lúc ăn tối y có ghé qua, nhưng thấy em không ở nhà thì lại đi đâu ấy. Y bảo anh chị nói với em, y phải đi gặp một người, lo xong vài chuyện, chỉ e phải bận độ đôi ngày, đợi y thu xếp ổn thỏa sẽ tới gặp em.”
Vân Ca nghe thế, cũng chẳng tỏ vẻ gì, chỉ ráng nhúc nhắc chân bước tới trước.
“Vừa xảy ra chuyện gì vậy? Em không tính đợi y chọn lựa nữa sao?”
Vân Ca lắc lắc đầu, “Không, không có chuyện gì hết ạ.”
Tính cách Vân Ca trông tưởng xuê xoa, đâu còn có đó, nhưng tới lúc cứng đầu lên thì thật khó ai bằng.
Lưu Bệnh Dĩ biết em không muốn nói, bèn cũng thôi hỏi, chỉ rằng: “Về nhà rồi cứ ngủ một giấc cho ngon, mọi chuyện rồi sẽ tốt lên mà. Anh cả bảo đảm với em, mọi chuyện đều sẽ tốt lên.”
.
Hứa Bình Quân nghe tiếng gõ cửa, bèn ào ra đón liền tắp lự.
“Vân Ca, gió lớn thế mà em đâm đầu đi đâu vậy hả? Thật là lo chết người ta mà, trời, sao mà rã rượi quá vậy nè…”
Chợt, cô nhận ra thứ cột trên tóc em chính là cọng dây đồng tâm kết mình tết cho Lưu Bệnh Dĩ không sai. Lời đương thốt tức thì nghẹn lại.
Lưu Bệnh Dĩ giao Vân Ca cho Hứa Bình Quân: “Để anh đun cho Vân Ca ít nước nóng, với làm ít đồ ăn.” Nói đoạn, chàng xoay người đi về phía bếp.
Lúc còn ở trên đường, Vân Ca đã hạ sẵn quyết định, mình muốn về nhà.
Biết là thời gian ở cùng với Lưu Bệnh Dĩ, Hứa Bình Quân chẳng còn bao nhiêu, ngoài đau khổ, trong em còn thêm luyến tiếc.
Hứa Bình Quân múc nước nóng cho Vân Ca rửa mặt rửa tay.
Vân Ca thấy Hứa Bình Quân cứ chốc chốc lại liếc qua chỗ đầu mình, miệng tuy vẫn cười nhưng bụng đã thấy là lạ. Em vừa quờ tay lên tóc vừa cười hỏi: “Tóc em bị sao hả?” Tới lúc chạm trúng sợi dây cột, em tháo xuống, mới hay nó là một cái đồng tâm kết.
Nhớ hôm đó, Hồng Y đã dạy em cách tết. Sau em mới biết vì sao hôm đó cô không chịu tết giùm mà đòi em tự làm.
Đồng tâm kết, kết đồng tâm.
Người con gái tết tâm tư của mình vào dây đồng tâm, rồi đeo dây ấy vào hông người mình thương mến, mong sao đôi bên vĩnh kết đồng tâm, mãi mãi không xa lìa.
Vân Ca khó xử tợn, vội vuốt phẳng lại mặt dây rồi đưa trả cho Hứa Bình Quân: “Em, em…” Thực, em cũng chẳng nghĩ ra phải giải thích thế nào… Sợi đồng tâm kết này anh cả luôn đeo bên hông, giờ sao lại chạy lên tóc em ta? Lúc đó, lúc đó… em chỉ nhớ lúc đó mình với anh cả luồn đường hẻm mà đi thôi.
Hứa Bình Quân bật cười lấy lại đồng tâm kết: “Không sao đâu! Đàn ông bọn họ chẳng ai để ý mấy chuyện này, chỉ sợ anh cả em còn không biết đồng tâm kết với mấy cái nút tết khác có gì khác nhau nữa á.” Đoạn, cô vừa tìm lấy cây trâm, chải tóc rồi vấn tóc giúp em, vừa làm như vô tư hỏi, “Em với anh cả Mạnh sao vậy? Dạo gần đây, chị mà cứ nhắc tới em với Mạnh Giác trước mặt anh cả em là mặt ảnh cứ kỳ kỳ, hổng lẽ… Mạnh Giác tính quay lưng với em?”
Vân Ca nghe ra lời cô hơi có ý khác, lòng đau lại thêm đau, tình cảm đã ra đi, giờ, lại cả tình bạn… đến cả tình bạn mà cũng mong manh thế! Ra Hứa Bình Quân vẫn cứ mãi để lòng.
Vân Ca chợt cảm thấy nơi thành Trường An này chẳng còn ai đáng để luyến lưu nữa, bèn nghiêng người kéo Hứa Bình Quân qua ngồi bên ghế bên cạnh: “Chị ơi, em phải đi rồi.”
“Đi? Đi đâu mới được?”
“Em muốn về nhà.”
Hứa Bình Quân ngây ra: “Nhà? Đây không phải nhà của em sao? Ý em là… Tây Vực hả? Sao vậy chứ? Anh cả em biết không?”
Vân Ca lắc lắc đầu: “Anh cả không biết, em mới nghĩ ra thôi, mà… em sợ phải tạm biệt lắm, cũng không tính tạm biệt.”
“Anh cả Mạnh thì sao? Ảnh không đi chung với em hả?”
Đầu Vân Ca ngả vào vai Hứa Bình Quân: “Sau này, y sẽ cưới tiểu thơ nhà họ Hoắc.”
“Cái gì?” Hứa Bình Quân nổi sùng, toan đứng bật dậy.
Vân Ca ôm lấy cô: “Chị, chị, chị đang có mang đó! Đừng có giận bừa làm gì mà, chị coi, em còn chưa có giận nè.” Đoạn em đặt trâm hoa kim ngân và Cự tử lệnh vào tay cô, “Lúc nào Mạnh Giác tới thì chị giúp em đưa hai thứ này cho y ha.”
Hứa Bình Quân nhớ tới Hoắc Thành Quân con quan thì lại làm quan, có uất đầy bụng cũng phải từ từ xìu bớt. Sau lại nghĩ tới chuyện, cả người như Vân Ca mà còn đụng phải cảnh này, tự nhiên thấy xa xót quá: “Vân Ca, em không tính tranh thử hả? Không tranh mà đã rút rồi, sao vậy? Quỷ kế của em xưa giờ quá trời mà? Nếu em muốn tranh, nhất định sẽ có cách! Trừ gia thế ra, đâu chỗ nào em hông bằng cổ?”
“Không đáng, chị ơi. Tình cảm khác với những chuyện khác, của mình, thì tức là của mình, đã chẳng phải của mình mà còn ráng giành thì không hạnh phúc đâu.” Nói đoạn, em bèn quạt hai tay vào thau, một bên tay ráng nắm cho được mớ nước. Song dẫu có ráng mấy, rốt lại khi bàn tay nắm ấy rời thau, nước đều sẽ theo kẽ tay mà chảy xuống cả. Ngửa tay ra, cũng có còn gì?
Sau, tay bên kia của em nhẹ nhàng vốc lấy một vốc nước, và kìa, trong lòng tay đều là nước long lanh: “Cảm tình là vậy đó, có những lúc càng cố níu giữ, thì lại càng giữ chẳng được.”
Nghe lời em hàm ý sâu xa, Hứa Bình Quân bất giác nắm chặt lấy dây đồng tâm kết trong tay áo. Không, không đời nào, đạo lý nhỏ lớn của cô là muốn cái gì thì nhất định phải tự tới giành lấy cái đó, cô đã có thể nắm được đồng tâm kết, thì nhất định cũng sẽ nắm được “đồng tâm kết”…
“Vân Ca, tụi mình sẽ còn gặp nhau chứ?”
“Sao không được? Em chỉ thấy hơi mệt xíu, muốn về nhà nghỉ một thời gian thôi. Đợi em thấy ổn ổn rồi, biết đâu chừng sẽ lại ghé thăm anh chị đó. Mà, dù em hông tới Trường An thì chị với anh cả đến thăm em cũng được mà.” Vân Ca vừa nói vừa lích rích cười, nào hay nom mình hiện tại tiều tụy lắm, đầu mày nhăn ríu cả lại.
Hứa Bình Quân vỗ nhẹ lên vai em, lòng thật không nỡ, toan khuyên em thêm bận nữa. Song, lời cứ lần chần trong bụng mấy bận, mãi không nói ra được, sau cô thở dài, lặng thinh.
Hoắc phủ gả con gái, cỗ đãi có lẽ còn linh đình hơn cả đại hôn của công chúa, chẳng lẽ cứ giữ em ở kinh thành để em coi cảnh tưng bừng rộn rịp khắp chốn ư? Chưa kể, mất Mạnh Giác, thì em lại một mình…
“Em tính bao giờ đi?”
“Càng sớm càng tốt đó, em chẳng muốn thấy mặt y nữa.”
Mắt Hứa Bình Quân ràn rụa lệ: “Vân Ca…”
Giọng Vân Ca nghe cũng nghèn nghẹt: “Đừng khóc, chị! Các cụ bảo người đương mang thai không được khóc, nếu không sẽ sinh con mít ướt đó.”
Chợt có tiếng Lưu Bệnh Dĩ gọi từ ngoài vào: “Ăn cơm được rồi đấy.”
Hứa Bình Quân vội gạt nước mắt, Vân Ca thì cười cười, nhỏ giọng nói: “Đợi em đi rồi chị hẵng nói với anh cả.” Hứa Bình Quân do dự chốc lát, sau gật gật đầu.
[1] Thơ Yến Lan, hãy tha thứ cho lần hiếm hoi vui tay :3 các đoạn thơ khác xin thề là giữ đúng nội dung nguyên tác đó :3