Chương 4: Bên song đôi bóng hỏi rằng ai, ai
.
Từ cung Vị Ương, một cỗ xe sang quý hối hả lăn bánh ra.
Ngồi trong xe, là hoàng hậu của Hán triều – Thượng Quan Tiểu Muội.
Thượng Quan Tiểu Muội chưa đầy sáu tuổi đã nhập cung. Đây, là bận đầu tiên em đi xa khỏi Trường An, xa khỏi những trập trùng điện son gác tía.
Từ bé, em đã được dạy sao cho từ đi đến đứng, cả lời nói, cả cử chỉ, đều phải đúng in một “hoàng hậu” – hiền thục, đoan trang, cao vời, cười thì thân ái, song tươi quá lại không đặng. Ngặt nỗi, giờ em biết bỏ đâu cho hết cái vui, dằn sao cho nổi môi cười?
Hoàng đế đại ca tự nhiên lại phái người tới đón em đến Ly Sơn, vậy là, vậy là em sắp được gặp chàng rồi!
Dẫu ở mãi nơi hậu cung, nhưng em cũng mang máng hiểu được mâu thuẫn giữa ông nội, ông ngoại và hoàng thượng. Em biết, mình ở đây, là do hai ông đã bức bách hoàng thượng lắm lắm. Thậm chí, em còn trông ra những bực tức, đề phòng nơi mắt đám thái giám xúm xít chung quanh chàng kìa. Ấy vậy mà, cái người nên ghét em nhất, là chàng, thì lại chưa từng nói một câu nặng nề với em, đã thế còn dặn Vu An phải bảo vệ em an toàn nữa chứ.
Chàng lúc nào cũng đứng cách một quãng, lẳng lặng nhìn em chừng lạnh lùng. Chàng chưa từng tới gần em, em nào giờ cũng chẳng dám tới gần chàng, nhưng em có thể cảm nhận được sau xa cách, sau ơ thờ ấy, là thấu hiểu. Bốn bề hoàng cung, có lẽ chỉ mình chàng hay em buồn và hận cái ngai hoàng hậu kia nhường bao. Thứ em ước ao, đã khi nào là mẫu nghi gì gì, thiên hạ gì gì đâu… Thậm chí, em còn nghĩ, nếu không vì cái ngai hoàng hậu này, lúc em gọi chàng là “đại ca”, chứ không phải “hoàng đế đại ca”, chàng sẽ khác hơn với em, hẳn thế đó.
Ông nội chết rồi, đám người hầu kẻ hạ trong cung vừa hí hửng chuyện họ Thượng Quan lật nhào, vừa vì ông ngoại Hoắc Quang mà kiêng sợ em thêm. Em biết, trong lòng bọn họ, em nhỏ nhoi, yếu đuối lắm.
Em quấn quýt với ông ngoại muôn phần, quấn quýt đến như đã quên bẵng ông nội, cha mẹ cùng các anh em vì sao mà chết vậy.
Nhưng… đó chẳng phải là cách để sống sót trong nhà vua chúa hay sao? Học cách quên đi, học cách vờ như hết thảy đều rất ư đúng đắn.
Ấy là chưa kể, em tin chắc, kết cục của họ Hoắc sẽ chẳng tốt đẹp gì hơn kết cục của họ Thượng Quan. Bởi thế, em nhất định phải sống, sống mà chờ tới khi ngày ấy đến, sống để tận mắt chứng kiến kết cục của họ Hoắc.
Đợi lúc em có thể quang minh chính đại cúng tế cha mẹ, em sẽ kể lại thật tỉ mỉ cho họ nghe, để bọn họ dưới suối vàng được yên lòng.
Thượng Quan Tiểu Muội vốn vẫn nắc nỏm dõi mắt qua kẽ rèm, thế nên vừa thấy xe phượng chẳng men theo đường chính lên thẳng cung Ôn Tuyền mà lại rẽ sang ngả bên, em bèn vén rèm hỏi ngay: “Chuyện gì vậy? Không phải tới chỗ hoàng thượng à?”
Thái giám Thất Hỷ đều giọng bẩm: “Hoàng thượng hiện ngụ bên biệt viện ạ.”
Thượng Quan Tiểu Muội thắc mắc lắm, mấy cái biệt viện nọ vốn là chỗ ngủ của thị vệ với thái giám, sao hoàng thượng lại sang đó nhỉ? Phải cái, biết là toán thái giám sẽ chẳng hở miệng, em đành là buông rèm.
Qua mấy lớp sân bảo to không to mà bé cũng chẳng bé, nào thấy có gì chói ngời đập vào mắt đâu? Nom thanh nhã như hệt mấy nóc nhà đầu tiên em ngó thấy ven đường.
Thượng Quan Tiểu Muội sực nhận ra, mình xúng xính áo váy tóc tai như vầy… không xong. Trước lúc di giá, đã bỏ cả núi công sức, thời giờ chải chuốt, ăn vận, thế mà nay, em chỉ thấy lạc lõng.
Thất Hỷ dẫn em tới sân sau, đoạn chỉ vào căn phòng trước mặt, bẩm: “Hoàng hậu nương ngương, hoàng thượng đương ngự trong kia, nô tài dẫn đến đây thôi ạ.” Nói đoạn, hành lễ, rồi bỏ đi luôn chẳng đợi em kịp nói.
Thượng Quan Tiểu Muội phóng mắt trông: mấy cội mai trắng đương rộ, xòa tán dày ra trước cửa. Bên song, một nam một nữ đương vui cuộc cờ. Ngoài song chiều ngả, nắng mỏng cánh ve, chênh chao bóng nắng bóng mai bóng người, cảnh dường tranh vẽ vậy.
Thượng Quan Tiểu Muội chẳng cất bước nổi, cứ đứng như trời trồng đó lâu thật lâu, mãi tới khi Vu An đứng trước mặt húng hắng ho, em mới sực bừng tỉnh.
Vu An hành lễ với em, em bèn vội cho hắn đứng dậy, đoạn nóng dạ hỏi độp: “Cô gái kia là ai thế?”
Vu An cười đáp: “Hoàng thượng cho người đón nương nương tới, là muốn để Vân cô nương gặp nương nương.”
Vu An đã chẳng dùng hai chữ “bái kiến”, lại còn bảo là để “Vân cô nương” gặp em, chứ không phải hoàng hậu là em này gặp cô ấy. Vu An ở trong cung đã thành tinh, làm gì có chuyện lỡ lời vung vít.
Thượng Quan Tiểu Muội rúng cả lòng, ngó chăm chăm vào Vu An.
Vu An tuy có hơi cúi đầu, song chẳng hề tránh né ánh mắt của Thượng Quan Tiểu Muội. Mặt cũng vẫn tươi rói như y.
Thượng Quan Tiểu Muội gật đầu: “Cảm tạ Vu tổng quản nhắc cho, bổn cung rõ rồi.”
Thượng Quan Tiểu Muội bước vào phòng, hành lễ với Lưu Phất Lăng. Lưu Phất Lăng vẫy tay bảo em lại bên, trỏ vào em toan nói, song ngó sang cô gái trước mắt thì lại đâm trù trừ.
Lòng Thượng Quan Tiểu Muội chùng xuống, chàng – hoàng đế cao vợi, sao bảo ra thân phận em cũng khó thế?
Vân Ca thấy một cô nhỏ ăn bận lộng lẫy đi vào, bèn tiện miệng hỏi Lưu Phất Lăng: “Anh có khách hả?”
Sau, trông sắc mặt Lưu Phất Lăng, lại ngó kỹ mớ váy áo phục sức của cô nhỏ kia một thoáng, thấy chỉ chừng mười hai, mười ba đổ lại, bèn sực vỡ lẽ; em gượng nở nụ cười, đứng dậy hành lễ với Thượng Quan Tiểu Muội: “Dân nữ Vân Ca tham kiến hoàng hậu nương nương.”
Lưu Phất Lăng nắm lấy cánh tay Vân Ca, không để em hành lễ tiếp: “Tiểu Muội sáu tuổi đã dọn vào cung, ta coi em ấy như em mình vậy, em không phải cách rách…”
Thượng Quan Tiểu Muội chúm chím môi xinh, vỗ tay mà rằng: “Lúc hoàng đế đại ca phái người tới đón, bảo lại đây chơi, em còn xầm xì – chẳng phải chỉ là một quả núi thôi à? Ừa thì nhiều cây hơn Trường An một xíu, nhưng có vậy cũng… Đâu ngờ ở đây lại có một thư thư đẹp như vầy đâu! Thư thư, thư thư đừng có học mấy kẻ nọ, người thì cao vổng mà cứ thích cắm cắm cúi cúi, làm em chán cả nói chuyện, buồn ghê lắm mà chẳng ai biết cho!”
Tiểu Muội vóc đã nhỏ nhắn, giờ ăn nói còn ngây thơ đến mực, toe toét nụ cười, phần tinh nghịch, phần đáng yêu, nom lại càng bé bỏng tợn, làm vợi bớt không ít những lúng túng giữa ba người.
Vân Ca biết Lưu Phất Lăng sợ em cứ muốn đi, nên mới cho đón Tiểu Muội lại để tỏ rõ nỗi lòng. Thực, thì không phải em không hiểu, mấy bận Vu An nói gần nói xa, đã kể ra một lô một loạt những chuyện năm xưa rồi. Em biết, ngày ấy chàng là lâm vào thế khó, em biết chàng chẳng thể làm khác được, em cũng thừa rõ chừng bấy năm nọ, chàng chẳng từng cùng ai, bởi vậy tuổi đã gần hăm mốt mà vẫn chưa con chưa cái gì. Nhưng, cứ mỗi lần nghĩ tới chuyện chàng là hoàng thượng, và, chàng có hoàng hậu, bụng em vẫn thấy kì lắm.
Vân Ca thấy Tiểu Muội cứ đứng trân, bèn trỏ vào chỗ mình vừa ngồi: “Mời hoàng hậu.”
Tiểu Muội liếc Lưu Phất Lăng, đoạn cười mỉm chi, ngồi xuống. Cả trong lễ gia phong hoàng hậu hồi em sáu tuổi, chàng cũng đâu có ngồi kề em. Đây là bận đầu tiên em với chàng ngồi cạnh nhau đấy!
Tiểu Muội ríu rít bảo Vân Ca: “Em tên Thượng Quan Tiểu Muội, Vân thư thư gọi em Tiểu Muội là được rồi.”
Lưu Phất Lăng gật đầu, cười với em. Tiểu Muội bụng rối nhùng, ngẩn ngơ nghĩ, thì ra trừ vẻ bình đạm, chàng còn biết cười nữa.
Lưu Phất Lăng toan kéo Vân Ca bấy giờ đương đứng cạnh sập ngồi xuống bên mình, song Vân Ca lại muốn bứt ra. Trước giờ, Lưu Phất Lăng đã khi nào làm trái ý Vân Ca, chỉ riêng bận này thì chàng nhất quyết phải là phải, chứ để em đứng đó cúi đầu mà được à! Một bên kéo, một bên tránh, chẳng ai chịu ai, níu níu giằng giằng làm người Vân Ca cứ gọi là xiên xẹo.
Giữa lúc đôi đàng mím lợi mím môi, Vân Ca sực phát hiện Tiểu Muội đương ngó trân cả hai, mắt lập lòe sáng. Bụng thấy ngài ngại, em đành nương theo Lưu Phất Lăng, ngồi xuống cạnh chàng.
Lưu Phất Lăng bảo với Tiểu Muội: “Em tới đúng lúc lắm, Vân thư thư của em vừa thua cờ, chốc nữa sẽ phải xuống bếp làm bữa tối. Tay nghề của cổ, em nếm rồi, chỉ e về sau không màng gì đến những thức trong cung nữa.”
Vân Ca vùng vằng: “Nấu đồ là nấu đồ, tự dưng đá qua vụ cờ chi vậy? Còn chưa có chơi xong mà, ai bị ai được đã rõ đâu!”
Tiểu Muội trông qua chỗ bàn cờ, thấy cờ mới hạ được lưng lưng, bảo thắng bại kể cũng hơi sớm thật, song ngó thế cục hiện tại, suy đoán các nước cờ trước, thì thấy ngay chỗ này chỗ nọ chỗ kia là các chỗ quân đen cố ý để sơ hở, rõ là muốn nhường cho quân trắng trên cơ. Song quân trắng lại cứ chùng chình chẳng nỡ, làm mất cả đống nước tốt. Thực lực hai bên chênh nhau xa tắp, đúng là khỏi chơi tiếp cũng rõ kết quả.
Vân Ca thấy Tiểu Muội chăm chú ngó bàn cờ, bèn nói: “Trông là biết tay cờ của Tiểu Muội không vừa rồi! Từ mớ cờ này ngẫm ngược lại những nước trước khó bằng mấy dự đoán những nước sau ấy chứ.”
Tiểu Muội vội ngước lên, cười nói: “Ở trong cung em cũng học được chút này chút nọ, cho qua thời gian thôi, chứ có hiểu mấy đâu. Hoàng thượng, Vân thư thư nói không có sai, cờ mới hạ tới nửa, còn chưa biết ai được ai bị à.”
Lưu Phất Lăng nghiêng đầu nom Vân Ca, ôn hòa hỏi: “Muốn chơi tiếp không?”
Vân Ca lắc đầu: “Thôi, không.” Mắt trộm liếc thấy Tiểu Muội đang ngó ra cội mai ngoài sân, em rủ rỉ, “Em biết là anh thắng rồi, anh muốn ăn gì? Nghe Vu An nói anh thích ăn cá, anh thích ăn cá chua hay cay hay mặn hay ngọt? Em nấu cho anh.”
Lưu Phất Lăng ngẫm một thoáng, đoạn cũng hạ giọng: “Ta muốn ăn món ‘Nhớ nhung xui dạ héo tàn’.”
Vân Ca đỏ mặt: “Món gì chứ? Em đâu biết nấu.” Nói đoạn bèn bước khỏi phòng. Dè đâu Lưu Phất Lăng cũng sóng bước theo, cùng em đi xuống bếp: “Em nấu cho người ta ăn cả rồi, cớ gì không chịu nấu cho ta?”
Vân Ca chựng lại, bấy giờ mới nhớ, hôm xưa, ở phủ công chúa… Bụng em nôn nao: “Anh ăn rồi hả? Anh đoán đúng hết hả? Mớ ‘thưởng hậu’ đó là anh ban sao?”
Lưu Phất Lăng cười cười, gật đầu.
Vân Ca thấy cả một trời chua xót, mà mắt Lưu Phất Lăng, cũng vậy.
Bọn họ rốt cuộc là vô duyên, hay có duyên đây? Nếu kêu vô duyên, sao lòng em chàng hiểu cả; lòng chàng, em thảy hay? Chàng với em, người nghiêng về tĩnh, người lại ưa rộn, thế mà yêu thích thì giống nhau như hệt, tâm tính cũng gần gần nữa. Nhưng, nếu nói có duyên, thì lẽ gì cơ trời lại cứ xui cho lỡ nhau bao bận? Nay, lại thêm thân phận chàng cách bể ngăn sông…
Lưu Phất Lăng biết Vân Ca đương băn khoăn gì, bèn bảo em: “Những chuyện khi trước thôi đành thôi, những chuyện về sau, là tự chúng ta quyết.”
Vân Ca cúi đầu, nghĩ, chuyện về sau?
Lăng Phất Lăng thở dài, thân phận chàng đã làm rối em bao nhiêu, song, chàng chỉ có thế chọn cách cố nài em ở lại. Chàng hiện đương đánh cược đấy, đánh cược rằng trong một năm này mình có thể giữ được lòng em… Được không?
Một năm, rằng ngắn thì thật ngắn, mà bảo dài cũng dài thật dài, đâu thể cứ ủ dột rầu rĩ mãi? Huống gì, em vẫn chắc dạ rời đi, thế nên càng phải quý những lúc ở bên nhau này. Vân Ca ngẩng đầu, tủm tỉm cười: “Em còn một chuyện nữa chưa có tính với anh đó, đợi khi băng đóng rồi, kiểu gì cũng phải xô anh xuống nước cho ướt mươi canh giờ.”
Lưu Phất Lăng lấy làm kì: “Vụ gì vậy?”
Nghĩ tới hôm đó, tại Hoắc phủ, hai người người trên người dưới dầu, Vân Ca thấy chua xót tợn, song cũng có tẹo buồn cười: “Tới lúc đòi nợ em sẽ kê cho mà nghe.”
.
Ngoảnh qua ngoảnh lại, từ hồi Vân Ca bị thương bị thương tới giờ, Lưu Phất Lăng đã ngự lại cung Ôn Tuyền gần nửa năm.
Chuyện, cũng chẳng hẳn là chưa có bao giờ, Lưu Triệt những năm cuối đời cũng ở riệt tại cung Ôn Tuyền đấy thôi. Hiềm nỗi, Lưu Phất Lăng lại đương độ trẻ khỏe, thế nên ai cũng thấy lạ lạ là. Lại thêm, năm sắp hết tết sắp đến, chàng còn cái sự phải chủ trì khánh điển, tế bái trời đất, cầu mong năm mới khoai thóc đầy đồng, quốc thái dân an, không về Trường An thì không xong.
Vốn là định để Vân Ca lại Ly sơn, song nghĩ, chúng nhân sớm muộn gì cũng sẽ biết, vậy, muộn chẳng bằng sớm. Quan trọng hơn là, chàng đâu có hề chắc chắn, một năm sau Vân Ca có chịu ở lại hay chăng, đã chia cách nhau chừng bấy năm vậy mà… Sau vô chừng những biền biệt, chàng thực sự không muốn để em xa lìa nữa, thế nên bèn dỗ em theo mình về Trường An.
Vân Ca theo hoàng thượng hồi cung, vậy nên xếp cổ ở đâu đây – Vu An đến là khổ sở.
Nơi cung Vị Ương, trừ điện Tuyên Thất mà hoàng thượng ngự, thì trong mấy cái điện hậu cung điện Tiêu Phòng là chỗ hợp ý hắn nhất. Ngặt nỗi Thượng Quan hoàng hậu lại đương ở đó. Những điện khác thì hoặc xa quá, hoặc tuềnh toàng quá, hoặc là không được an toàn.
Vu An nghĩ xuôi nghĩ ngược, thấy cái hoàng cung to chừng ấy, hồi tiên hoàng còn tại ba ngàn giai lệ cũng chất đủ, vậy mà sao chẳng kiếm nổi một chỗ cho Vân Ca ở vầy nè!
Đương lúc hắn nẫu chết được, hoàng thượng bèn đóng cái cộp chủ ý, mệnh cho hắn xếp cho Vân Ca ở trong điện Tuyên Thất. Dẫu là xem bề lễ nghi không xong, nhưng chính hắn cũng thấy, đây là cách thỏa đáng, an toàn nhất hiện tại. Hơn nữa hoàng thượng đã quyết định, thì hắn chỉ còn cách mở to mắt nói láo, bảo Vân Ca là cung nữ trong điện Tuyên Thất thôi chứ sao?
Chỉ một bận hồi cung bình thường, chỉ một cô cung nữ bé bằng móng tay, thế mà lại rõ rúng động triều đình.
Hoàng thượng tuổi cũng chẳng nhỏ, song hiện vẫn chẳng có đứa nhóc lít nhít nào giỡn quanh. Thế nên, hoàng tử là chuyện thảy đều hau háu canh me, phải thôi, dây dưa đến cả thế cục triều đường mấy chục năm sau, cơ hội đổi trắng bàn cờ là đây chứ còn gì! Nhưng hoàng thượng lại luôn rất thờ ơ với nữ sắc, chưa từng tuyển phi tần, chưa từng ban ơn mưa móc cho cung nữ nào, lại thêm những gầm ghè của cả họ Thượng Quan với họ Hoắc, thế nên các bè đám cũng thôi chẳng tưởng nữa. Ai nấy đều đinh ninh đợi, đợi lúc hoàng thượng viên phòng với Thượng Quan hoàng hậu, đợi vị hoàng tử mang dòng máu của hai bậc đại quyền thần cất tiếng khóc chào đời.
Chờ mãi, đợi mãi, sự lại dần dà ngoặt dòng.
Cứ như lời thì con gái mười một, mười hai đã có thể viên phòng, song hoàng thượng lại cứ lần lữa mãi. Bá quan vốn đã rì rầm nghị luận từ lâu, đắn đo không biết hoàng thượng tính sao với họ Thượng Quan và họ Hoắc mới được. Đắn đo chưa thông, thì ngày nọ, họ Thượng Quan đã tiêu ma cả, chỉ còn lại mỗi một hoàng hậu Thượng Quan Tiểu Muội với nửa phần họ Hoắc trong mình.
Hoắc Quang gom trọn đại quyền rồi, lại rất mực hiền từ với cô cháu ngoại, mà Tiểu Muội cũng rất gắn bó với người ông này. Đã mấy lần Hoắc Quang bóng gió nhắc Lưu Phất Lăng nghĩ tới bề con cái, song Lưu Phất Lăng cũng vẫn chưa viên phòng với Thượng Quan Tiểu Muội.
Nay, hoàng thượng lại đột ngột đưa một cô gái vào cung, trách sao mọi kẻ chẳng nhấp nhổm – hiện Hoắc Quang đúng là dưới một người mà trên muôn người thật, song tương lai là nhà ai rỡ rạng thì còn chưa biết đâu! Phải cái, trước mắt thì thế họ Hoắc vẫn hoành, dại gì mà đắc tội vội, cho nên là ai cũng bấm bụng – cứ để đấy, chờ xem kịch hay đã, coi thử Hoắc Quang sẽ phản ứng làm sao, coi thử cô gái nọ kết cục thế nào.
.
Vu An sợ Vân Ca bỡ ngỡ chẳng quen, bèn cắt đặt riêng một bạn thạo việc chỉ chuyên lo chuyện em ăn ở.
Lúc Vân Ca dòm thấy thái giám Phú Dụ, cả hai đều vừa kinh ngạc, vừa vui khôn kể xiết.
Có hoạn nạn mới biết bụng nhau. Chuyện Phú Dụ liều mạng bảo vệ em cùng Hứa Bình Quân khỏi mớ răng trắng ởn của đám kiệt khuyển bữa nào, Vân Ca vẫn luôn ghi dạ. Cùng với đó, câu “Chị Hứa, chị đưa Phú Dụ đi trước đi.” Vân Ca thốt lúc đối đầu với bầy kiệt khuyển hung hãn, cũng đã in trong lòng Phú Dụ bấy nay.
Từ bé, Phú Dụ đã hay mình là kiếp nô tài, là thứ đồ chẳng đáng tiền người ta thích thì dùng hỏng thì quăng, còn chẳng bằng đám chim quý thú lạ mà phủ công chúa nuôi nữa ấy! Thì, chỉ cần có một con trong đám ấy chẳng thấy đâu thôi, bọn cậu lấy mạng ra đền còn chưa hết tội.
Ấy là bận đầu tiên, cậu gặp người xem mình đáng phận người.
Ai ai cũng tưởng bởi cậu trung với công chúa, nên mới liều chết lấy thân mình che cho Vân Ca lúc kiệt khuyển xồ lại, nào đâu hay, cậu làm thế chỉ là vì chị Trúc và chị Hứa đã coi cậu như một con người. Giữa lúc nguy ngập đến nơi, hai chị ấy đã chẳng vứt bỏ cậu như vứt bỏ món đồ chơi, và còn coi tính mạng cậu quý hệt tính mạng chính mình vậy. Cậu, chỉ muốn đem lương tâm, và tôn nghiêm của một con người đáp lại cái nhìn đầy thịnh tình ấy.
Những lẽ cao siêu như vì tri kỷ chẳng nể mạng gì gì, Phú Dụ đâu có hay. Song nơi linh hồn bé mọn của cậu, lại có thứ giản đơn nhất, mà quý giá nhất trong một con người – lương tâm.
Sau lần “lập công” đó, công chúa cảm kích “lòng trung” của cậu, bèn mới tiến cử cậu vào cung, coi như là tưởng thưởng cho cậu, còn dặn dò cậu phải dốc lòng mà làm, có hậu thuẫn của phủ công chúa, ngày sau lên ngồi cái chức thái giám chưởng sự cũng chưa chừng.
Bụng Phú Dụ dư hiểu cái “tưởng thưởng” của công chúa – cô muốn là muốn có một kẻ trung thành giúp mình ngó chừng tình hình trong cung, cộng thêm tuồn tin tuồn tức ra thôi. Nhưng, bất kể cô là thật lòng hay chăng, thì cậu vẫn cảm kích sự cắt đặt đó của cô hệt vậy, vì nếu chẳng thế, thì giờ chắc như bắp là cậu đã chẳng còn trên đời rồi.
Trong bận xử cái án mưu phản của Thượng Quan Kiệt, Tang Hoằng Dương, đám cung nữ, thái giám theo hầu công chúa trong phủ đều bị khép tội chết. Cậu may nhờ được đưa vào cung từ trước nên mới tránh khỏi kiếp nạn nọ.
Bởi chẳng phải là tay chân thân tín gì của Vu công công, thế lực của công chúa thì nay đã tiêu tùng cả, thế nên Phú Dụ ở trong cung đâu có được trọng dụng, chỉ toàn ru rú trong tiểu điện lo mấy việc lau dọn lặt vặt. Hai hôm trước, Vu công công mệnh người tới dặn cậu gom hết đồ lại, ăn bận cho chỉnh tề, sẵn sàng tới điện Tuyên Thất nghe lệnh. Cậu còn đương mắc míu, tới làm việc ở điện Tuyên Thất là ước mơ của hết loạt cung nữ cùng thái giám, sao Vu công công lại phân cái việc tốt vậy cho mình nhỉ? Chẳng lẽ có lắt léo chi đó?
Hôm nay, lúc tới, Phú Dụ đúng cập rập, lo lắng loạn hết lên, có dè đâu là lại gặp chị Trúc, còn đươc cho hay là, từ nay người cậu phải theo hầu chính là chị Trúc! Cậu chẳng những vững lòng hẳn, mà còn thấy sao ông trời đãi mình hậu quá chừng? Tối nay về nhất định phải dập đầu chục cái lạy ổng mới xong!
.
Hồi Vân Ca vừa vào cung, chuyện này chuyện kia chuyện nọ thấy đều mới lạ hết. Có Phú Dụ với Mạt Trà bầu bạn, Vân Ca thấy hoàng cung cũng chẳng đến nỗi đáng sợ, còn rất ư lý thú nữa kia. Chưa nó đâu xa, chỉ riêng cách bài trí của mỗi cung mỗi điện thôi cũng đã đủ sướng mắt em kha khá lâu rồi.
Điện Ôn Thất lấy ớt với bùn trát tường, nguyên bức tường vừa ấm lại vừa thơm. Cột thì bôi quế, trước giường còn đặt bình phong hỏa tề[1], treo rèm kết bằng lông chim hồng, khiến người ta vừa vào đã thấy ấm sực, thật không hổ cái tên “Ôn Thất[2]”.
Điện Thanh Lương thì lại lát tuyền hàn ngọc, giường bằng đá khắc, rèm rủ lưu ly tía, đồ bày thảy lóng lánh thủy tinh, quả là ai xui sương giăng hạ, để thơ thới mình ta.
…
Chơi hết một dọc lầu các, trừ điện Tuyên Thất chỗ Vân Ca thấy đáng thời giờ nhất là hai gác Thiên Lộc với Thạch Cừ. Gác Thiên Lộc chính là chỗ “giấu sách mật, náu hiền tài”, còn gác Thạch Cừ thì là chỗ trữ những thư tịch lấy được từ cung Tần lúc Hán Cao Tổ đánh vào Quan Trung.
Mấy lúc Lưu Phất Lăng ở điện trước tiếp kiến bá quan, xử lý chính sự, thường Vân Ca sẽ lê la trong hai cái gác đó cả ngày.
Hôm nay, có một loạt các vị đại thần xin được gặp riêng hoàng thượng, điện Ôn Thất cứ gọi là tiễn khách đón khách liền liền.
Lúc Lưu Phất Lăng trông theo Hoắc Quang rời điện, vẻ chàng cũng đã hơi mỏi. Vu An vội truyện cho Điền Thiên Thu chờ ở bên ngoài, để hoàng thượng nghỉ ngơi một lát.
Lưu Phất Lăng nhấp một ngụm trà đặc, mắt ánh lên chút ấm áp: “Vân Ca giờ đương ở đâu?”
Vu An vừa bỏ một nắm hương ngọc tủy[3] vào lò xông, vừa cười thưa: “Tại gác Thiên Lộc ạ.”
Thất Hỷ cũng cười hùa: “Vân cô nương quả thực hiếu học, nô tài trước nay chưa từng thấy tiểu thơ nhà ai ham thích sách vở được thế, đúng là tài nữ chẳng sai, xứng với…”
Vu An quăng cho Thất Hỷ cái liếc, Thất Hỷ tức thời ngậm miệng, bụng rối nùi, moi hết trí khôn ra giúp hoàng thượng vui, chẳng phải là tự sư phụ dạy à? Không phải là bổn phận của nô tài sao? Chẳng lẽ mình nói quàng rồi? Cậu thấp thỏm ngó sắc mặt hoàng thượng, thấy người tuy chẳng cười, nhưng vẻ cũng ấm áp hẳn, xem ra không đến nỗi hố, hú vía thật!
Học? Lưu Phất Lăng nghĩ tới cái mớ sách Vân Ca lật tới lật lui cả ngày mà đầu phát đau.
Từ hồi em biết được trong cung có giấu “sách mật”, “sử mật” rồi, bèn là hăng hái vô cùng tận, tự mình đọc thôi chưa đủ, lúc về còn lôi chàng ra cùng chẻ sợi tóc làm tư.
“Tần Thủy Hoàng rốt cuộc có phải là con trai của Lữ Bất Vi không ha?”
“Triệu Cơ yêu Tần Vương nhiều hơn xíu, hay là yêu Lữ Bất Vi nhiều hơn xíu ha?”
“Hoàng đế với Viêm Nữ rốt cuộc là gì của nhau ha, mà Viêm Nữ với Xi Vưu thì là gì của nhau chứ? Cớ gì Viêm Nữ không giúp Xi Vưu mà lại giúp hoàng đế vậy? Nếu Viêm Nữ đúng là con gái của hoàng đế, sao cổ lập đại công rồi, hoàng đế cũng không ban thưởng gì hết, còn giam lỏng cổ nữa? Anh nghĩ coi, Viêm Nữ có hận hoàng đế hông?”
Thay triều đổi đại, quần hùng tranh bá là nhường bao mưa máu gió tanh, vậy mà em đọc vào chỉ thấy rặt những tình cảm là tình cảm.
Không biết giờ em đương chúi mũi đọc gì?
Lưu Phất Lăng ngẩn ngơ thoáng chốc, những mỏi mệt do khi nãy gặp Hoắc Quang bất giác tan đi cả. Chàng đương định mệnh cho Vu An truyền Điền Thiên Thu, thì bỗng ngoài rèm có gã thái giám thò đầu vào. Vu An đi ra xong trở vô ngay, sầm mặt, nhỏ giọng bẩm gì với Lưu Phất Lăng.
Lưu Phất Lăng nghe xong, lặng đi một thoáng, đều giọng thốt: “Tuyên gọi Điền Thiên Thu đi.”
Vu An nghệch ra, hoàng thượng vậy là… để mặc à? Đành cúi đầu đáp: “Nô tài tuân chỉ.”
.
Bấy giờ, Vân Ca đương cắm đầu vào cuộn sách chép chuyện công tử Phù Tô[4] sống và ngao du, trong còn ghi lại ít thơ văn của công tử, em đọc mà đến lặng người.
Ngẫm công tử trước trăng dọi vằng vặc, sau biền biệt nước xuôi[5], sau rốt phải đâm cổ mà chết vì thiên hạ, em không nén được thở dài: “Công tử là bực người trong núi[6], sinh chi sinh nhằm hoàng gia!”
Sực cảm thấy sau lưng có ai đương đứng, em chưa nói đã cười: “Anh xong việc rồi hả? Mau giúp em coi bài thơ này nghĩa là sao đi, thấy giống thơ tình của công tử lắm á! Không biết là viết cho con gái nhà ai…”
Lúc ngoảnh qua, thì đối diện, lại là Mạnh Giác với ánh mắt giá buốt đầy những chất vấn, không tin: “Quả là em!”
Nụ cười của Vân Ca đông cứng, mình mẩy thoắt so lại.
Nửa năm cách lìa, y nom đã sút hẳn. Cái gầy như rút bớt vẻ ôn nhuận nơi mày mắt trước, tô hằn lên những lạnh lẽo, góc cạnh.
Vân Ca ngó y trân trân, người cứng, môi cũng nghẹn đờ, chỉ riêng lòng là như bị kim đâm vậy – cứ thế từng mũi, từng mũi, từ tốn, đâm cho đến lút… Có trông thấy máu đâu, đến cả vết đâm cũng khó nhìn ra kìa, nào ai biết, bên trong mủ mưng, thịt rục, khiến cả tâm can phế phủ cũng đau theo… Vân Ca oằn người, ho xé.
Bởi vẫn được săn sóc đến nơi, nên lâu rồi em đâu có ho dữ vậy, song, cũng nhờ trận ho này mà em tỉnh hẳn, vừa ho, vừa lảo đảo đứng dậy toan đi.
Phải cái vừa dợm được đôi bước, thì đã bị Mạnh Giác kéo phắt vào lòng. Một tay y rà qua các huyệt trên lưng em, một tay thì nắm lấy bên tay em, xem kỹ mạch tượng.
Kế đó, mặt y thôi sắc lạnh, vẻ tự trách chợn ngợp: “Tôi không biết em đã phải chịu nhiều khổ sở vậy. Giờ tôi đưa em về, kiểu gì cũng có cách trị dứt bệnh cho em.”
Tài bấm huyệt của Mạnh Giác quả hiệu nghiệm, Vân Ca dần ngớt cơn ho, ngực cũng dễ chịu hơn nhiều, chỉ còn hơi bải hoải. Em vươn tay toan xô Mạnh Giác, song chẳng bới đâu ra lực.
Mạnh Giác miết tay lên má em: “Bệnh Dĩ đã làm cha rồi, Bình Quân sinh được một nhóc trai, em không muốn ngắm cháu nó ư?”
Vân Ca xuội hết người đi, chốc sau, mới đờ đẫn cười mà rằng: “Thế thì hay lắm.”
Mạnh Giác cười bảo: “Ông chú tương lai là tôi đã cho cháu nó tiền đầy tháng rồi đấy, em làm cô mà sao chẳng có lòng gì cả.”
Vân Ca cười khổ: “Mạnh Giác, anh là anh, tôi là tôi. Trâm của anh tôi đã trả lại anh rồi, dù anh có cưới tiểu thơ họ Hoắc hay tiểu thơ nhà vua chúa gì thì cũng chẳng liên quan tới tôi.”
Mạnh Giác nhẹ nhàng nói: “Vân Ca, tuy mấy ngày đó có hay ra vào Hoắc phủ hơn thường, cũng nghe không ít lời ong tiếng ve, song tôi chưa bao giờ có ý định cưới Hoắc Thành Quân, cũng chưa bao giờ nói với Hoắc Thành Quân là tôi muốn cưới cổ.”
Vân Ca cười lạnh: “Phải ha! Không có ý định ha! Vậy là ai ôm ôm ấp ấp cổ vậy? Ai mặn nồng anh anh em em với cổ vậy? Anh không định cưới cổ, mà lại làm ra cái kiểu đó, thật còn làm người ta ghê răng hơn! Có phải trong lòng anh cô gái nào cũng là hoặc lợi dụng được, hoặc không không?”
Mạnh Giác đâu có ngờ Vân Ca tận mắt trông thấy mình và Hoắc Thành Quân ở cạnh nhau, mặt nhợt hẳn đi: “Vân Ca, tôi có cái bất đắc dĩ của tôi.”
Vân Ca dằn: “Mạnh Giác, thứ anh quý khác hẳn thứ tôi quý, việc làm cũng vậy! Anh cứ việc đeo đuổi cái mình muốn đi, chuyện giữa chúng ta… chuyện giữa chúng ta coi như chưa từng…”
Mạnh Giác kéo phắt cằm Vân Ca lên, cắn vào môi em, chặn câu em định thốt lại: “Vân Ca, em có nghĩ tôi thế nào cũng mặc, tôi trước nay chưa từng nói suông. Tôi rất ít khi ước hẹn, nhưng tôi đã ước hẹn cùng em, vậy thì quyết sẽ không sai lời, tôi sẽ cưới em, em là người mà tôi muốn.”
Cằm Vân Ca bị y bóp đến phát đau: “Thứ anh muốn quá nhiều, mà ai thì cũng chỉ có hai tay thôi. Giờ Hoắc Thành Quân mới có ích cho anh, chứ tôi… tôi thì còn gì để mà lợi dụng.”
Mạnh Giác sững người: “Ai nói với em tôi lợi dụng em?”
“Tôi đã gặp bác Hầu rồi, bác ấy bảo với tôi anh nên gọi tôi là sư tỷ.” Vân Ca vẫn cố toét nụ cười, song giọng thì đã dần nức nở, “Tuy tôi có hơi ngây ngô, nhưng cũng không phải con ngốc! Lúc mới tới Trường An, là ai trộm mấy cái túi cánh sen của tôi? Đằng sau khúc ‘Thái Vi’ cao khiết nọ là bao nhiêu âm mưu ý đồ, hả? Nhành thoa kim ngân kia là vì tôi, hay là vì bạc vàng nứt đố đổ vách của Trường An này? Tôi không biết giữa cha mẹ tôi với cha nuôi anh từng xảy ra những gì, nhưng ân nghĩa bao năm không gặp vẫn chẳng mờ phai giữa bọn họ, lại trở thành thứ đồ mạt hạng để anh tùy ý xoay vần trong tay. Chú Phong với cha nuôi anh xem ra đều không muốn đặt chân vào chỗ quan trường tranh đấu, nhưng anh thì lại khác, bọn họ vốn đâu có yên tâm giao ngần ấy tiền tài cho anh, thế nên là tới lượt tôi biến thành một con cờ trên bàn cờ của anh. Giờ ít nhất anh cũng đã toại được nửa ý, chú Phong đã đem tất cả sản nghiệp tại Hán Triều này đặt vào tay anh rồi thôi. Có tiền tài lót đường, lại thêm quyền thế của Hoắc phủ, anh muốn gì thì cứ việc vươn tay mà lấy! Còn xin ngài đây chớ vội bày mưu giành phần sản nghiệp của cha nuôi tại Tây Vực, để ông ấy phải đau lòng, với buông tha tôi là xong.”
Mạnh Giác sượng ngắt người, chẳng thốt nổi câu giải thích, vì mấy điều kia đều đúng cả!
Y nhìn chăm chắm vào Vân Ca, mắt trầm lắm, nơi đôi con ngươi đẹp và sáng chẳng nhường đá quý là biết mấy hoang lạnh, mịt mờ.
Ánh mắt y khiến vết thương trên ngực Vân Ca trở đau. Cơn ho lại hằm hè xộc đến. Vân Ca áp mạnh tay vào ngực, chừng như muốn đè xuống tất thảy tình tự.
Vân Ca rút tay ra, định đi, song Mạnh Giác lại giữ chặt lấy cổ tay em không chịu buông.
Chậm rãi, kiên quyết, em cứ thế tách từng ngón tay, từng ngón tay mình ra khỏi tay y. Nơi mắt y, vẻ cầu nài loáng thoáng ẩn hiện, song em chỉ trông thấy có một sắc đen mịt mà thôi.
Tới lúc còn có ngón cuối, em bèn giựt phắt tay ra, cắm đầu cắm cổ chạy khỏi y.
Ra khỏi lầu gác, bèn thấy ngay hai bạn đi theo là Phú Dụ và Mạt Trà đương lăn ra ngủ khì, trách sao mà y âm thầm đứng đằng sau em được!
Vân Ca điếng cả người, Mạnh Giác to gan lớn mật nhường ấy ư, đây là hoàng cung đấy!
.
Ngoài điện Ôn Thất hiện đã không còn vị quan nào chầu chực. Cứ mọi ngày mà tầm này, Lưu Phất Lăng ắt sẽ di giá sang gác Thạch Cừ hoặc là gác Thiên Lộc đón Vân Ca. Song nay thì chàng chỉ lệnh cho Vu An bưng tấu chương ra, đoạn bắt tay vào phê duyệt.
Tuy Vu An cũng biết là hộ vệ đã nấp sẵn, chỉ cần Vân Ca cất tiếng hô, là lập tức có người xuất hiện, chẳng lo có chuyện gì lớn xảy ra, song vẫn cứ thấy hơi hơi nóng ruột.
Song cái vị nên là nóng ruột nhất, thì nom lại rõ thản nhiên.
Vu An thầm thở dài, chả trách ai cũng bảo “hoàng đế không gấp, thái giám lại gấp”. Không phải do tính thái giám hay quáng quàng đâu, là tại tâm tư hoàng đế sâu như bể đó! Mấy chuyện khác chưa nói, có cái này thôi đã là không xong rồi – dẫu thân phận của Vân Ca còn chưa rõ, song cũng đâu thể để hạng bề tôi thích gặp là gặp được.
Tới lúc hắn nghe được tiếng bước chân khe khẽ vẳng lại tự xa, mặt mới bèn giãn ra.
Chẳng chốc, đã nghe tiếng cậu thái giám đứng ngoài thẽ thọt: “Chỉ có hoàng thượng thôi ạ.”
Lưu Phất Lăng ném bút sang bên, mắt vụt sáng rạng.
Vu An giật giật khóe môi, muốn cười lắm mà phải nhịn, thì ra hoàng thượng cũng chẳng trấn tĩnh gì cho cam.
Vân Ca lụp chụp chạy vào, má đỏ bừng, cũng chẳng lý gì tới Vu An, nắm luôn lấy tay Lưu Phất Lăng. Như thể, giữa cơn gió bụi, giữa nỗi truân chuyên, muốn níu lấy một chút an lòng. Song, bên tay còn lại của em hẵng cứ khư khư đè ép lấy ngực, dường muốn chặn giữ hàng bao thứ không nên, chớ nên dấy lên.
Em mỉm cười với chàng, toan nói gì, song chưa kịp mở miệng thì đã bật ho, càng gắng gượng, sắc mặt nhợt nhạt lại càng đỏ tấy. Lưu Phất Lăng trông mà nhói lòng, vội bảo: “Không phải nói gì hết, ta đều rõ cả. Em đã không muốn gặp y, vậy về sau ta sẽ không cho phép y xuất hiện trước mặt em nữa. Khỏi phải nói gì hết, thở ra chậm thôi, rồi, hít vào…”
Vu An lập tức quay ra kêu cậu thái giám truyền Trương thái y lại.
[1] Hỏa tề là tên một loại đá đẹp như ngọc. Theo Nam sử, phần Di Mạch truyện (thượng) về nước Phù Nam (chính là quanh quanh miền Nam Trung bộ nước ta hiện nay) thì “Phù Nam hiến ngọc Hỏa Tề.”
[2] Ôn nghĩa là ấm, thất nghĩa là phòng, ôn thất là gian phòng ấm áp.
[3] Theo quyển Hương thặng của Chu Gia Trụ đời nhà Minh, phần hương liệu thời Tần Hán thì hương ngọc tủy này lấy đàn hương và trầm hương làm chính.
[4] Công tử Phù Tô là con cả của Tần Thủy Hoàng, là người hiếm hoi dám đứng ra can ngăn chính sách Đốt sách chôn nho của cha mình. Sau, Tần Thủy Hoàng, băng hà, Triệu Cao và Lý Tư làm giả di chiếu, mệnh công tử tự vẫn, công tử đành theo. Nghe có đáng ngờ không ạ? :3
Một chuyện không giống lắm là kết cục của vị chúa cuối cùng của dòng họ Trịnh, chúa Trịnh Khải, sử cũng chép lúc ảnh chạy trốn, bị bắt giải về bèn tự đâm dao vào cổ chết, cũng quá đáng ngờ :3 Trịnh Khải, theo lời bạn tôi, là người “nhẫn được cả kiêu binh và Đặng Thị Huệ”, và khi bị bắt còn chẳng cao giọng trách ai đấy :3 (Lý do của đoạn này là tôi thích Trịnh Khải xD)
[5] Nguyên văn là “minh nguyệt tiền thế, lưu thủy kim sinh”, mình chịu không biết câu này từ đâu ra, chỉ hiểu nông cạn là công tử tài hoa một kiếp mà phận lại quá vô thường.
[6] Cây Phù Tô chuyên sống trên núi, trong Kinh thi, phần Trịnh Phong có bài Sơn hữu phù tô (trong núi có cây phù tô), mỗi tội nội dung không hợp tình hợp cảnh nên xin mạn phép không dẫn :3
mừng đã dịch lại ha :P
hehe
Đâu chỉ dịch hết chương này thôi vì để kiểu 1/5 chương kia trong lòng cứ ái nái với công tử. (đoạn cuối ảnh xuất hiện mà)
Mừng hụt =.=
trừ công tử tôi áy náy nhất là em đó, vì tôi dừng đúng đoạn em bảo dừng chờ tôi :(
thôi nếu em vẫn chưa đọc thì hãy đọc ebook đi :3 tôi sẽ bù cho em cái khác *grin*